Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương không nhiều, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa

Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương không nhiều, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý một số quy định về "phát triển quỹ đất" của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có nội dung góp ý về cơ chế “phát triển quỹ đất” và đề nghị quy định bổ sung một số “nguồn tài chính khác” cho “Quỹ phát triển đất”.

Theo đó, HoREA kiến nghị dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận xổ số kiến thiết trong năm của địa phương, hoặc đề nghị Chính phủ quy định cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của “Tổ chức phát triển quỹ đất”.

Theo HoREA, Điều 113 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nguồn thu tài chính của "Quỹ phát triển đất" được tiếp nhận từ 3 nguồn, gồm: Được phân bổ từ ngân sách nhà nước; được huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật và được phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho quỹ phát triển đất.

Theo đánh giá của Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương không nhiều, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa. Ngay tại TP.HCM, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2021 khoảng 11.229 tỷ đồng, nếu trích 10% thì cũng chỉ được 1.122 tỷ đồng, không đáp ứng được yêu cầu về vốn để thực hiện.

Về nhiệm vụ chi của quỹ phát triển đất, HoREA cho rằng, có một số khoản chi tài chính của quỹ phát triển đất không thể trực tiếp tái tạo nguồn thu tài chính cho quỹ phát triển đất như thực hiện các dự án "đầu tư công". Nhưng sau đó, Nhà nước sẽ thu lại hiệu quả về kinh tế xã hội, trong đó có thu ngân sách nhà nước sau khi các dự án "đầu tư công" này đưa vào khai thác sử dụng.

Ngoài ra, có một số khoản chi tài chính của quỹ phát triển đất hoàn toàn có thể được thu hồi hoặc hoàn trả lại cho quỹ phát triển đất.

Do vậy, Chủ tịch HoREA đề xuất bổ sung quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận xổ số kiến thiết hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất.

Đối với nhiệm vụ chi của quỹ phát triển đất được đề cập tại dự thảo, ông Châu cho rằng có một số khoản không thể trực tiếp tái tạo nguồn thu tài chính cho quỹ phát triển đất như thực hiện các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, Nhà nước có thể thu lại hiệu quả về kinh tế xã hội sau đó, trong đó có thu ngân sách nhà nước sau khi các dự án đầu tư công này được đưa vào khai thác sử dụng.

Bên cạnh đó, có một số khoản chi tài chính của quỹ phát triển đất hoàn toàn có thể được thu hồi hoặc hoàn trả lại cho quỹ phát triển đất trong một số trường hợp sau.

Thứ nhất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được tính vào chi phí đầu tư dự án nhà ở xã hội. Sau khi thực hiện đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thì sẽ có nguồn tài chính để hoàn trả lại chi phí này cho quỹ phát triển đất.

Thứ hai, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư”của các thành phần kinh tế, sau đó thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư và sẽ có nguồn tài chính để hoàn trả lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho quỹ phát triển đất, đồng thời còn tạo thêm được nguồn tài chính từ chênh lệch địa tô.

Hiệp hội nhận thấy, “Tổ chức phát triển quỹ đất” là “đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích” của Nhà nước muốn hoạt động hiệu quả thì vừa phải có nguồn vốn tài chính ban đầu đủ lớn để hoạt động, vừa phải xây dựng được cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động rất chủ động, năng động (tương tự như tính chủ động, năng động của doanh nghiệp tư nhân), nhưng vừa phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, nên cơ chế, tổ chức hoạt động của “Tổ chức phát triển quỹ đất” cần được Chính phủ quy định chi tiết.

Đồng thời, quỹ phát triển đất phát huy được vai trò ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng cho người có đất bị thu hồi, rồi sau đó thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, qua đó có thể hạn chế tối đa việc xảy ra khiếu kiện của người dân.