Thông tin trên được Savills Việt Nam cho biết tại báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản Việt Nam vừa được phát hành.

Cụ thể, tại báo cáo trên, Savills đưa ra dữ liệu cho biết, trong quý II/2022, Hà Nội chỉ có 146 căn biệt thự, nhà liền kề mới, giảm 82% theo quý và 84% theo năm.

Nguồn cung sơ cấp toàn thị trường ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua, ở mức 993 căn, giảm 34% theo quý và 49% theo năm.

Do nguồn cung khan hiếm nên nửa đầu năm 2022 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở giá bán thứ cấp. Giá biệt thự tăng 37%, giá shophouse tăng 22% và giá liền kề tăng 20%. So với năm 2018, giá bán biệt thự đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%.

Trong khi đó, lượng giao dịch giảm 55% theo quý và 72% theo năm khi chỉ có 302 giao dịch được ghi nhận tính đến quý II. Tỷ lệ hấp thụ theo quý chỉ ở mức 30%, giảm 14% theo quý và 25% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới chỉ có 14%.

bd_20220819154559.jpg

Theo báo cáo, huyện Gia Lâm có lượng giao dịch nhiều nhất với 69% thị phần, theo sau là Hà Đông với 15%.

Đáng chú ý, báo cáo cho biết, người mua đang có xu hướng dịch chuyển sang các dự án tại tỉnh vệ tinh như Hưng Yên, vì nguồn cầu chưa được đáp ứng tại Hà Nội.

Trong quý II, dự án Vinhomes The Empire ở Hưng Yên đã ghi nhận khoảng 6.000 giao dịch, tương đương với lượng giao dịch của Hà Nội từ năm 2020 tới nay và gấp 6 lần lượng giao dịch của Hà Nội trong nửa đầu năm 2022.

Dự báo trong phần còn lại của năm, thị trường sẽ chào đón hơn 2.131 căn đến từ 13 dự án. Tuy nhiên, các dự án này phải đối mặt với việc người mua đang giảm sự quan tâm đối với thị trường nhà đất.

Nguồn cung sẽ tiếp tục khan hiếm trong những năm tới

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi tại một hội nghị về bất động sản được tổ chức mới đây, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, với thị trường nhà đất, nguồn cung hiện nay vô cùng khan hiếm và sẽ tiếp tục khan hiếm trong những năm tới.

biet_thu_20220819154559.jpg

Để dẫn chứng, bà Dương cho biết, tại TPHCM, 6 tháng đầu năm chỉ có 600 căn được chào bán ra thị trường, bằng 1/10 Hà Nội. Đây là vấn đề đã diễn ra kể từ năm 2019, cho thấy nguồn cung khan hiếm.

Đáng chú ý, nhà đất tại cả 2 thị trường Hà Nội và TPHCM đều có mức tăng giá rất cao. Giai đoạn 2017 – 6 tháng 2022, giá bất động sản tăng bình quân 14%/năm, còn tại TPHCM là 21%/năm.

“Giá các dự án liên tục lập đỉnh mới khi nguồn cung hạn chế và các chủ đầu tư không còn nhiều quỹ đất để phát triển các sản phẩm gắn liền với đất, do đặc thù các sản phẩm này đòi hỏi quỹ đất rất lớn”, bà Dương nhận định.

Trên thị trường thứ cấp, mức giá cũng tăng cao liên tục, tại Hà Nội mức tăng trung bình trong 5 năm qua là 17%/năm cho sản phẩm biệt thự và 9% cho sản phẩm liên kề. Tại một số dự án “hot”, mức tăng có thể gấp đôi. Tại TPHCM, con số này là 19%.

“Từ nay đến 2025, nguồn cung Hà Nội là 8.000 căn, trong khi TPHCM chỉ 600 căn.Nguồn cung hạn chế sẽ dẫn tới xu hướng các nhà đầu tư bất động sản có xu hướng đi ra khu vực khác để đầu tư thay vì chỉ tập trung ở TPHCM, có thể “Băc tiến”. Đây không chỉ cho nhà phát triển dự án mà cả nhà đầu tư cá nhân”, bà Dương cho biết.