Từ đầu năm đến nay, mặc dù thị trường bất động sản gặp khó, tuy nhiên, trái ngược với xu hướng chung của thị trường, giá nhiều phân khúc bất động sản vẫn tăng dựng đứng.

Báo cáo về thị trường bất động sản mới công bố của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý 3 vừa qua, mặc dù giao dịch sụt giảm mạnh nhưng giá sơ cấp căn hộ ở Hà Nội đã đạt 54 triệu VNĐ/m2, tăng 2% theo quý và 13% theo năm. Như vậy, giá sơ cấp đã tăng trong 19 quý liên tiếp và cao hơn 77% so với quý 1/2019. Giá thứ cấp đạt 36 triệu VNĐ/m2, tăng 2% theo quý và 8% theo năm.

Tương tự, dữ liệu mới công bố của Batdongsan.com.vn cho thấy, mặc dù thời gian qua, giao dịch đất nền giảm mạnh, tuy nhiên, chỉ số giá đất nền vẫn duy trì mức tăng ổn định từ 2018 đến nay trên cả nước nhưng có xu hướng phân hóa giữa các vùng và khu vực cụ thể trong năm 2023.

Theo thống kê, sau một giai đoạn dài từ quý 1/2018 đến quý 3/2023, giá rao bán đất nền miền Nam đã tăng 71%, miền Bắc tăng 54%. Như vậy, trong vòng 5 năm qua, đất nền đã tăng giá không ngừng.

Không dừng lại ở 2 phân khúc trên, báo cáo mới phát hành của Cushman & Wakefield cho thấy, trong quý 3 vừa qua, giá sơ cấp trung bình phân khúc nhà liền thổ (biệt thự, nhà liền kề) ở TP.HCM hiện ở mức 14.627 USD / m2 đất, tăng 8% theo quý và 19% theo năm.

Ảnh minh họa.

Sư tăng trưởng bắt nguồn từ các dự án có giá trị cao trong nguồn cung sơ cấp. Đáng chú ý, các dự án ảnh hưởng lớn đến giá sơ cấp trung bình của thị trường, bao gồm The Global City tại Quận 2 hay The Rivus Elie Saab tại Vinhomes Grand Park Quận 9 (TP.HCM) – đều được Masterise Homes phát triển.

Ngoài ra, trong quý còn có sự góp mặt về nguồn cung sơ cấp của các dự án Vạn Phúc City của Đại Phúc và The Classia của Khang Điền. Mặc dù vậy, số lượng căn bán được trong quý này lại không đạt được hiệu suất như quý trước.

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, TP.HCM hiện có ít quỹ đất để phát triển dự án quy mô lớn trong bối cảnh quá trình đô thị hóa vẫn tiếp diễn manh mẽ. Do đó, đa số nguồn cung nhà liền thổ tương lại sẽ phân bổ trong các dự án khu đô thị tích hợp quy mô lớn ở các khu vực xa trung tâm về phía Đông, phía Tây, và phía Nam thành phố.

Trong nguồn cung tương lai, phía Đông TP.HCM (TP. Thủ Đức) sẽ có nguồn cung tương lai nhiều nhất trong giai đoạn nghiên cứu 2023 – 2025 do tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng, quỹ đất phát triển dự án sẵn có, và tốc độ đô thị hóa cao.

“Với hệ thống cơ sở hạ tầng và các tuyến giao thông thuận lợi kết nối đến trung tâm TP.HCM, nguồn cung mới trong 5 năm vừa qua tập trung tại khu vực phía Tây và phía Nam thành phố. Giai đoạn điều chỉnh kinh tế toàn cầu cuối 2022 đến quý 1/2023 đã dẫn đến lãi suất và lạm phát tăng, đồng thời làm biến động thị trường BĐS.

Trong 9 tháng năm 2023, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục thông qua các chương trình ưu đãi từ chủ đầu tư và đã có những tác động tích cực đến nguồn cung và khả năng hấp thụ của thị trường. Những vướng mắc về pháp lý và quy trình phê duyệt là các vấn đề phổ biến hiện nay ảnh hưởng đến nguồn cung mới”, bà Trang Bùi nhận định.

Minh Quân