Theo đó, 4/7 là ngày giao dịch không hưởng quyền và 13/7 là ngày thanh toán cổ tức. Với 1.423.724.783 cổ phiếu đang lưu hành, Masan cần 1.139 tỷ đồng để chi trả cổ tức.

Hiện nay, cổ đông lớn nhất của Masan là CTCP Masan sở hữu 31,23% sẽ nhận 356 tỷ đồng cổ tức; Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương sở hữu 13,21% sẽ nhận 150 tỷ đồng; SK Investment Vina I Pte. Ltd. sở hữu 9,26% sẽ nhận 106 tỷ đồng.

Năm 2022, Masan đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 90.000 - 100.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 4.800 - 6.200 tỷ đồng. Như vậy, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) năm 2022 đạt tối thiểu 3.371 đồng, đây là tiền đề để công ty thực hiện việc chi trả cổ tức cho cổ đông ở mức hấp dẫn.

Động lực tăng trưởng trong năm nay đến từ các hoạt động đầu tư gần đây, điều kiện thị trường thuận lợi hơn, sức mạnh hiệp lực của nền tảng tiêu dùng - bán lẻ tích hợp và hiện thực hóa nền tảng Point of Life. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan, cho biết, trong thời gian tới, Masan sẽ tăng tốc chiến lược Point of Life, nhân rộng mô hình cửa hàng mini mall hiện đại tích hợp các thương hiệu và dịch vụ đột phá có chất lượng vượt trội để phục vụ các nhu cầu lớn, thiết yếu hàng ngày của người Việt xuyên suốt từ offline đến online.

Bằng cách ứng dụng dữ liệu lớn (big data) vào hệ sinh thái ngày càng mở rộng, Masan sẽ mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm kỹ thuật số thế hệ mới, từ đó tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của Masan trong thập kỷ tới.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 22/6, cổ phiếu MSN của Masan ở mức 110.100 đồng/cổ phiếu, giảm 22,8% so với đầu năm nay. Ở mức giá này, vốn hóa của Masan đạt 156.752 tỷ đồng, đứng thứ 5 trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau Vietcombank (358.725 tỷ đồng), Vingroup (284.138 tỷ đồng), Vinhomes (278.680 tỷ đồng), PV GAS (214.745 tỷ đồng).