Nhiều thắc mắc

Ông Nguyễn Quốc Anh - Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) cho rằng, việc chi phí quản lý dự án chỉ tính trên giá trị xây dựng, thiết bị là chưa phù hợp, vì nhiệm vụ quản lý dự án là toàn bộ các chi phí liên quan, bao gồm cả chi phí tư vấn và chi phí khác. Đồng thời, trong chi phí thiết kế hiện nay không nói rõ là có chi phí thiết kế ý tưởng (concept) hay không?

Không đề cập đến việc nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ hoặc ý tưởng mới trong thiết kế… dẫn đến sản phẩm thiết kế chưa thực sự tốt. Việc hướng dẫn tính chi phí thiết kế không rõ ràng, khiến việc vận dụng tính thiết kế phí còn lúng túng.

2.png
Giá VLXD tăng ảnh hưởng nhiều đến tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm.

“Trong đó khi đó, chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) hiện nay vẫn thấp hơn rất nhiều so với chi phí thiết kế. Điều này ngược với xu thế của nước ngoài. Hơn nữa, giai đoạn FS rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả, tính sáng tạo của dự án. Do vậy, cần dành nhiều thời gian và chi phí cho giai đoạn này” - ông Nguyễn Quốc Anh nói.

Đề cập đến vướng mắc liên quan đến định mức xây dựng, Viện trưởng Viện thiết kế (Bộ Quốc phòng) Hoàng Tuấn cho rằng, ngành này có nhiều nhóm công trình đặc thù không có trong định mức của Nhà nước. Một số công tác có định mức nhưng lại không phù hợp với điều kiện thi công; một số định mức chưa nằm trong hệ thống đã công bố.

Hệ thống định mức mặc dù đã được điều chỉnh, bổ sung nhưng vẫn chưa thực sự phù hợp với công nghệ thi công hiện tại. Một số quy định hay thuyết minh chưa rõ, gây khó khăn trong quá trình lập, thẩm tra, thẩm định cũng như thanh tra kiểm toán…

Thực tế công bố giá của của địa phương còn chậm, đa số theo quý, chưa sát với thị trường. Danh mục công bố còn thiếu nhiều loại vật liệu xây dựng (VLXD) chủ yếu. Giá công bố tại các thời điểm khác nhau, nhiều khi không cập nhật so với biến thị trường dẫn đến giá lập dự toán, đấu thầu và giá thi công có sự chênh lệch lớn.

“Hầu hết công bố giá vật liệu địa phương được xem xét trên cơ sở tham khảo báo giá của nhà cung cấp trên địa bàn tỉnh mà chưa xem xét đến khả năng cung cầu của thị trường. Đến khi có dự án lớn hoặc nhiều dự án được triển khai đồng thời, các nhà cung ứng vật liệu lợi dụng tình trạng cầu vượt cung để đầu cơ, tăng giá, trục lợi. Thực trạng này khiến công tác lập, quản lý chi phí gặp nhiều khó khăn, đẩy nhà thầu vào rủi ro khi giá vật liệu bùng phát tăng tại thời điểm thực hiện dự án” - ông Hoàng Tuấn cho hay.

Cần định kỳ công bố giá

Các chuyên gia đều cho rằng, Bộ Xây dựng và các bộ chuyên ngành cần ưu tiên tập trung chỉnh sửa những định mức còn bất cập, ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư xây dựng; xây dựng mới định mức mang tính cấp thiết, còn thiếu trong hệ thống định mức. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương đối với việc công bố giá xây dựng minh bạch, công khai, kịp thời, phù hợp với cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, địa phương cần thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung các loại vật liệu chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến vào danh mục để công bố. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, biến động nhiều thì cần tổ chức xác định, công bố giá hàng tháng, hàng tuần. Tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo về khả năng cung - cầu trên địa bàn, về biến động giá VLXD chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong chí phí đầu tư xây dựng…

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) Đàm Đức Biên cho biết: Thời gian qua, hệ thống cơ chế chính sách và các công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo rà soát tổng thể, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

1.jpg
Nhiều nhà cưng ứng VLXD lợi dụng tình hình để tăng giá bán, trục lợi. (Ảnh minh họa).

Các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng được hoàn thiện theo hướng quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi phí nhưng tạo quyền chủ động, nâng cao vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của người quyết định đầu tư, của chủ đầu tư trong triển khai thực hiện; tránh phát sinh thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho dự án… Tuy nhiên, hệ thống định mức đồ sồ đòi hỏi có thêm thời gian hoàn thiện và sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành và đơn vị, doanh nghiệp.

“Vấn đề công bố giá và chỉ số giá xây dựng của hầu hết các địa phương đều có độ trễ so với diễn biến thị trường. Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương công bố giá kịp thời, bảo đảm sát giá thị trường, phục vụ điều chỉnh giá hợp đồng; tăng cường xử lý nghiêm hiện tượng đầu cơ, tích trữ, đẩy giá VLXD” - ông Đàm Đức Biên cho hay.

Riêng về công bố chỉ số giá quốc gia, theo Luật Thống kê0, bắt đầu từ năm 2022, Bộ Xây dựng là đơn vị chủ trì công bố. Trước mắt, phạm vi áp dụng của chỉ số giá xây dựng quốc gia chỉ phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, chưa áp dụng cho điều chỉnh hợp đồng. Việc áp dụng xác định chi phí cũng ở trong một phạm vi nhất định.

“Việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng là cần thiết, các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn xây dựng cũng cần hướng đến chuyên nghiệp hơn để cung cấp cho chủ đầu tư những sản phẩm tư vấn tốt nhất. Vai trò, trách nhiệm của tư vấn đầu tư xây dựng cần được nâng cao, quyền lợi, công bằng của tư vấn cần được đảm bảo.

Cục sẽ tham mưu cho Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết để tháo gỡ vướng mắc, từ đó tạo thuận lợi cho quá trình triển khai, góp phần đảm bảo hiệu quả của đầu tư dự án” - Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng Đàm Đức Biên cho biết thêm.