Sáng nay (13/1), Cổng thông tin Chính phủ đã tổ chức tọa đàm: "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023".

Tham dự toạ đàm trên, ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có một loạt công điện chỉ đạo người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, cũng như phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; trong đó có Công điện 1164 về tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản.

1_20230113143349.jpg Ảnh minh họa.

Trước đó, khi thị trường có những dấu hiệu bất ổn, khó khăn, Thủ tướng đã có chỉ đạo các bộ, ngành; trong đó có Bộ Xây dựng, nghiên cứu, nắm bắt tình hình để giải quyết.

Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ có những cuộc họp để gặp gỡ, làm việc, lắng nghe các doanh nghiệp cũng như hiệp hội trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là tại TPHCM và Hà Nội.

Ngày 17/11/2022, Thủ tướng có Quyết định số 1435 thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại địa phương và các doanh nghiệp. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ trưởng.

Ngay sau khi được thành lập, Tổ công tác khẩn trương và tích cực triển khai nhiệm vụ được giao. Trong 2 tuần liên tục sau đó, Tổ đã làm việc trực tiếp với 5 thành phố và làm việc với khoảng 30 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản.

Đồng thời, làm việc và trao đổi trực tiếp với đại diện của các hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài chính bất động sản. Qua đó, Tổ công tác cũng như các bộ, ngành đã nắm bắt được đầy đủ, cụ thể, rõ ràng thị trường bất động sản trên thực tế và các báo cáo Thủ tướng.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng có Công điện 1164 chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

“Sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy sự kịp thời, quyết liệt. Các bộ, ngành, tổ công tác cũng như Bộ Xây dựng rất khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện và nghiên cứu, nắm bắt tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Nội dung của công điện cũng chỉ ra đầy đủ, cụ thể các nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn và cũng rất đầy đủ để giải quyết câu chuyện tổng thể của thị trường, gồm nhiều ngành, lĩnh vực liên quan đến thị trường bất động sản. Các giải pháp rất khả thi và hiệu quả”, ông Dũng nói.

Hệ thống pháp luật đồng bộ sẽ tháo gỡ khó khăn cho dự án tốt hơn

Đề cập đến những khó khăn cụ thể của thị trường bất động sản hiện nay, ông Cục phó Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản cho biết, vừa qua, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp và nắm bắt được cụ thể, nổi lên một số nhóm vấn đề.

Thứ nhất, trong những quy định của pháp luật còn có những bất cập, chồng chéo, gây cản trở cho việc triển khai các dự án bất động sản.

Nhóm nữa là trình tự thủ tục tổ chức triển khai thực hiện còn phức tạp, kéo dài, thậm chí là chậm triển khai thực hiện tại một số địa phương.

Một nhóm nữa đương nhiên liên quan đến nguồn vốn triển khai thực hiện dự án. Nguồn vốn ở đây như thế nào? Không chỉ có nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu và cả câu chuyện thanh khoản, nguồn vốn của huy động của khách hàng, nguồn vốn thanh khoản của thị trường.

Để huy động được nguồn vốn huy động của khách hàng triển khai dự án bất động sản, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ trưởng cùng các bộ, ngành đã hết sức tích cực làm việc với các địa phương, doanh nghiệp cũng như trao đổi chuyên gia, hiệp hội để nắm bắt những khó khăn. Trên cơ sở đó, Tổ công tác thực hiện mấy nhiệm vụ.

Thứ nhất phải có những giải pháp, biện pháp để tháo gỡ khó khăn ngay trong trước mắt.

Thứ hai là tổng hợp báo cáo giải quyết những khó khăn tổng thể và lâu dài.

Trên tinh thần đó, đối với những vướng mắc, khó khăn đối với trình tự thủ tục pháp lý của các dự án, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp và có những văn bản hướng dẫn ngay lập tức để triển khai, áp dụng thực hiện. Ở đây là cách hiểu, cách áp dụng pháp luật một cách đồng bộ để thuận lợi trong triển khai thực hiện tại các địa phương.

Thứ hai, Tổ công tác cũng đã tiếp cận những kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án; rà soát phân loại, tổng hợp và có văn bản gửi các địa phương, trong đó đôn đốc, yêu cầu địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương và có báo cáo cho Tổ công tác.

Cùng với đó, chúng ta phải có những giải pháp hoàn thiện thể chế và quy định pháp luật. Hệ thống pháp luật cho triển khai các dự án bất động sản liên quan đến nhiều ngành phức tạp.

Để giải quyết việc này, trong Công điện 1164, Thủ tướng đã giao cho các ngành, cơ quan rà soát các quy định liên quan đến luật thuộc chức năng của các ngành. Ví dụ như đối với Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu rà soát các quy định pháp luật có bất cập, gây cản trở trong việc triển khai các dự án bất động sản, liên quan đến lĩnh vực xây dựng quy hoạch, quy hoạch phát triển đô thị về nhà ở kinh doanh…

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai. Bộ KH&ĐT rà soát sửa đổi quy định liên quan đến pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc chấp thuận hay điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Đối với Bộ Tài chính, yêu cầu nghiên cứu sửa đổi Nghị định 65 và Nghị định 153 về chào bán và chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp.

Việc nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và giao cho các bộ, ngành để hoàn thiện hệ thống đồng bộ các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, hoạt động của thị trường, doanh nghiệp bất động sản.

Thực hiện những nhiệm vụ này, các bộ, ngành đã rất tích cực triển khai và hoàn thiện. Ví dụ, Bộ Xây dựng đã dự thảo và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi các nghị định quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực của Bộ Xây dựng… Hay Bộ Tài chính đã hoàn thiện sửa đổi Nghị định 65, 53 để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

“Việc hoàn thiện các quy định pháp luật như vậy sẽ đảm bảo các quy định đồng bộ hơn. Đương nhiên, nội dung quy định của pháp luật triển khai thực hiện các dự án bất động sản còn có những vướng mắc. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát nghiên cứu sửa đổi thời gian tới như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và những luật khác.

Với việc sửa đổi các luật này, hệ thống pháp luật sẽ đảm bảo đồng bộ, từ luật đến các quy định dưới luật như nghị định, thông tư để áp dụng triển khai thực hiện các dự án bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho các dự án tốt hơn”, ông Dũng nói.

Đức Hoài