Trước đó, vào cuối tháng 11-2021, nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP với một số nội dung quy định ô tô lắp ráp trong nước được hưởng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết ngày 31-5-2022.

Tuy nhiên, càng tới gần hạn cuối của chính sách, thị trường xe lại càng yên ắng. Trong ngày 30-5, toàn quốc chỉ có 544 ô tô đăng ký mới. Thực trạng này trái ngược với giai đoạn cuối của đợt giảm trước bạ trong năm 2020. Ở thời điểm đó, nhiều đại lý ô tô rầm rộ rao thông tin “sẵn xe kịp chạy thuế” đối với các mẫu xe đang hiếm hàng nhằm thuyết phục người mua chốt hợp đồng với mức chênh chi phí “bia kèm lạc” không nhỏ. Cùng với đó, các nhà sản xuất và hệ thống đại lý cũng bạo tay tung hàng loạt biện pháp kích cầu, nhằm tiếp tục thu hút người tiêu dùng tới các showroom sau khi ưu đãi phí trước bạ kết thúc.

Theo giới chuyên môn, thực tế thị trường lúc này là hệ quả của việc hệ thống kinh doanh ô tô trong nước đã cạn kiệt xe để bán. Chia sẻ với phóng viên, nhân viên kinh doanh tại các đại lý Hyundai cho biết, hiện nay khách đặt cọc Santa Fe hay Tucson (đều là xe lắp ráp tại nhà máy Ninh Bình của TC Motor) đều phải chờ ít nhất phải tới tháng 10 mới có xe giao. Xe “quốc dân” Hyundai i10 cháy hàng tại hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc, trong khi “hàng nóng” Creta cũng chứng kiến nguồn hàng nhỏ giọt với hầu hết xe về đại lý chỉ đủ trả cho những hợp đồng đặt cọc đã ký từ lâu.

Dĩ nhiên, Hyundai không phải cái tên duy nhất đối mặt khó khăn lúc này, khi hầu hết các thương hiệu ô tô hiện diện tại Việt Nam tới nay đều công khai phát đi tín hiệu khó khăn dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong nhóm xe sang, thông tin từ một chuỗi đại lý Mercedes-Benz khu vực phía Nam cho biết, nguồn cung thiếu thốn sẽ kéo dài ít nhất là tới hết quý III-2022.

Bất ổn nguồn cung khiến nhiều đơn vị kinh doanh ô tô chuyển sang trạng thái “đi nhẹ, nói khẽ”, ít quan tâm tới các vấn đề khác. Thậm chí, việc điều chỉnh giá bán xe để thích ứng việc ưu đãi trước bạ kết thúc cũng không diễn ra. Nhân viên kinh doanh giờ đây chỉ dám ký “biên bản thoả thuận” với người mua xe, thay vì “chốt” hợp đồng đặt cọc theo cách thông thường.

Về phía người dùng, thị trường xe tiềm ẩn phức tạp khiến các quyết định mua sắm bị hoãn. Tâm lý e ngại phát sinh không chỉ do thời gian chờ nhận xe quá lâu, mà còn do việc tìm được xe với màu sắc hay tiện nghi đúng với mong muốn đã trở nên bất khả thi trong bối cảnh hiện nay. Đó là chưa kể trong vài tháng qua, nhiều dòng ô tô phổ biến đều đã bị nhà sản xuất tăng giá bán, viện lý do chung là thiếu hụt linh kiện, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và cước vận chuyển đắt đỏ. Cũng theo các nguồn tin từ hệ thống đại lý ô tô, giai đoạn hiện nay cũng ghi nhận tình trạng người tiêu dùng muốn mua xe nhưng không đủ tài chính, do nhiều ngân hàng đã “hết room” (hết hạn mức cho vay).

Có thể thấy, dù tình trạng khan hiếm xe được dự đoán sẽ dịu bớt trong nửa cuối năm, nhưng khó khăn chồng chất trước mắt vẫn đang phủ bóng u ám lên thị trường ô tô trong nước. Thực tế này chắc chắn sẽ thể hiện rõ nét hơn qua các con số trong báo cáo kết quả kinh doanh kỳ tiếp theo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).