Gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản
Tại cuộc họp báo cuối năm 2022 của Bộ Xây dựng ngày 30/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, giữa tháng 11, Chính phủ thành lập Tổ công tác gỡ vướng cho các doanh nghiệp bất động sản. Việc này rất quan trọng cho thấy sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp theo đúng tinh thần khó khăn chia sẻ.
"Thời gian qua, chúng tôi thấy được khó khăn doanh nghiệp nổi lên. Cụ thể, pháp lý về đất đai, giao đất, điều chỉnh kế hoạch điều chỉnh đất, tính giá đất. Việc điều chỉnh quy hoạch khi đó liên quan đến giá đất. Ngoài ra, trình tự thủ tục đầu tư. Vướng mắc pháp luật về nhà ở nhất là nhà ở xã hội", ông Sinh nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại cuộc họp ngày 30/12.
Ông Sinh nhấn mạnh, khó khăn nhất là trong thời gian ngắn doanh nghiệp cùng lúc gặp khó khăn về nguồn vốn tín dụng, trái phiếu. Cùng một thời điểm, doanh phải đáo hạn tín dụng và trái phiếu. Việc này tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, các doanh nghiệp dừng thực hiện dự án, nhiều nhà thầu cho công nhân nghỉ việc.
"Tổ công tác đề nghị địa phương giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn. Ngoài ra, chúng tôi kiến nghị Chính phủ làm việc với ngân hàng nới room tín dụng. Thời gian qua, ngân hàng nhà nước nới room tín dụng 2% đã bước đầu việc này tạo thuận lợi bước đầu về khó khăn nguồn vốn. Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo nghị định sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp", ông Sinh nói và cho biết các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn bắt đầu được tháo gỡ.
'"Thời gian qua, khi giai đoạn thị trường tốt nhiều doanh nghiệp thực hiện nhiều dự án và không cân bằng nguồn lực với dự án triển khai. Bên cạnh khó khăn về cơ chế chính sách, còn nổi lên vấn đề doanh nghiệp triển khai quá nhiều dự án cùng một thời điểm. Nhiều lần, khi làm việc chúng tôi đề nghị doanh nghiệp phải rà soát lại, cơ cấu sản phẩm và dự án bất động sản.
Thậm chí, doanh nghiệp bán bớt dự án để tập trung dự án đang triển khai. Đây là giải pháp ngắn hạn tổ công tác đưa ra cho doanh nghiệp. Còn về lâu dài, các doanh nghiệp phải vay vốn thực hiện đúng cho dự án tránh dùng vốn này sử dụng cho dự án khác làm mất cân bằng tài chính", ông Sinh cho hay.
Ông Sinh cho biết thêm, thời gian tới, tổ công tác sẽ tiếp tục đôn đốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thời gian tới.
Tập trung nhà ở xã hội để giảm giá nhà
Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết thêm, Đề án 1 triệu nhà xã hội Bộ Xây dựng đưa ra gặp vướng mắc về số cơ chế chính sách. Có những vướng mắc thuộc thẩm quyền chính phủ, liên quan đến vấn đề giao đất, lựa chọn đầu tư, ưu đãi, đối tượng thụ hưởng, vay vốn... Một số vướng mắc thuộc thẩm quyền Quốc hội. Những vướng mắc này, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi trong Luật Nhà ở .
"Nhà ở xã hội quan trọng quỹ đất. Trước đây, theo quy định 20% đất làm nhà ở xã hội trong dự án sẽ hạn chế nguồn hạn chế quỹ đất. Chúng tôi đề xuất theo hướng giao cho UBND địa phương trong quá trình lập quy hoạch để bố trí đầu tư quỹ đất nhà ở xã hội. Như vậy sẽ tạo nguồn lực về đất đai", ông Sinh nói.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục sửa đổi để giảm bớt thủ tục với dự án nhà ở xã hội, giá bán nhà ở xã hội đưa ra nhanh nhất. Theo ông Sinh, nếu đề án 1 triệu nhà ở xã hội hoàn thành đáp ứng nhu cầu người dân góp phần giảm giá nhà ở.
Ông Sinh lý giải thêm, đề án 1 triệu nhà ở xã hội xuất phát từ nhu cầu từ các địa phương đến năm 2020 là 2 triệu 400 căn. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đăng ký đầu tư là 1,4 triệu căn. Sau khi rà soát từ này đến 2025, có 571.000 căn hộ và số còn lại hoàn thành đến năm 2030.
Theo Tienphong.vn