Chia sẻ được ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Cenland đưa ra tại Diễn đàn "Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới - Vận hội mới" được tổ chức vào chiều ngày 3/7.

Theo đó, chia sẻ tại diễn đàn trên, ông Vũ nhận định, thời gian qua, thị trường gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là nguồn cung bất động sản bị hạn chế. Tuy nhiên, tình hình sắp tới sẽ khác. Thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ "bùng nổ". Tuy nhiên, sự bùng nổ của thị trường sẽ diễn ra ở khía cạnh khác, không nằm ở giá cả, bởi giá tăng cao sẽ khiến người dân khó mua được nhà, mà là sự bùng nổ ở nguồn cung, giúp người trẻ có cơ hội mua nhà.

68672974d3336.jpg
Chủ tịch Cenland.

Theo ông Vũ, trong 5-10 năm tới, chiến lược đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ thay đổi hoàn toàn so với giai đoạn vừa qua. Nhìn lại 5 năm gần đây, thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Còn 5 năm trước đó, khi chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà, thị trường đã bùng nổ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nhiều phân khúc như bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang gặp nhiều vướng mắc. Trong suốt 10 năm qua, thị trường thiếu nguồn cung trầm trọng nhưng từ thời điểm này trở đi, thị trường sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ nguồn cung, đây là sự thay đổi rất lớn.

Trước đây, nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá bất động sản tăng cao. Ví dụ, dự án chung cư 88 Láng Hạ đã tăng giá từ 40 triệu đồng/m2 lên 100 triệu đồng/m2, tức gấp 2,5 lần. Nhưng sắp tới, thị trường sẽ chuyển từ thiếu nguồn cung sang dư thừa nguồn cung. Chúng ta sẽ sống trong thời kỳ "thừa nguồn cung" bất động sản, nguồn cung sẽ tăng rất khủng khiếp.

“Các dự án trước đây với quy mô 1.000 ha đã được coi là lớn, nhưng giờ đây, các dự án siêu đô thị có diện tích 1.700 ha, 4.000 ha, thậm chí lên đến 10.000 ha đang xuất hiện. Đây là điều chưa từng có. Cuộc chơi mới sẽ hoàn toàn khác biệt, không chỉ thay đổi ở mức độ thông thường mà là sự thay đổi vô cùng lớn”, ông Vũ cho biết.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, cơ hội cho thị trường bất động sản trong thời gian tới trước hết là việc toàn bộ hệ thống chính trị thay đổi tư duy, xác định rõ các vấn đề cần đổi mới cũng như vai trò của nhà nước, của tư nhân và vấn đề thay đổi công nghệ. Rõ ràng đây là cơ hội mở ra cho tất cả, trong đó có bất động sản. Cơ hội thứ hai là sự thay đổi thể chế - vấn đề được Tổng bí thư nhấn mạnh là điểm nghẽn của điểm nghẽn.

Bên cạnh đó, việc bộ máy hành chính tinh gọn hơn, sáp nhập lại địa phương sẽ giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng hưởng lợi từ quy trình thủ tục ngắn hơn, đơn cử chỉ cần nộp đơn xin giấy phép vào một cửa thôi.

Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đang cho thấy những kế hoạch, chủ trương rất cụ thể, rõ ràng, như đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cũng như tư duy trong nước có thể làm được mà không nhất thiết phải cần tới doanh nghiệp nước ngoài. Việc phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cũng sẽ mở rộng không gian tới các vùng đô thị mới.

Cơ hội của doanh nghiệp bất động sản thời gian tới cũng đến từ việc ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian dài vừa qua và dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức trong thời gian tới. Mặc dù nhiều vấn đề về thể chế đã được tháo gỡ nhưng chưa thật sự hoàn chỉnh, đòi hỏi sự tiếp tục điều chỉnh và thay đổi trong thời gian tới.

Để dẫn chứng, ông Đính cho biết, vấn đề giá đất hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc và vấn đề. Theo khảo sát có cảm giác như không ít địa phương đặt ra mức giá đất trên trời. Họ làm đúng các yêu cầu của luật pháp nhưng khi xác định lại các giao dịch thị trường để xác định giá thì những giao dịch này có độ bong bóng rất cao. Các giao dịch này là chiêu trò của một số thao túng trên thị trường. Vô hình chung khi xác định vào bảng giá, có nghĩa là đã hợp lý hóa, pháp lý hóa cái bong bóng đấy.

Điều này sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm, làm giảm sức hút đầu tư khi các doanh nghiệp thuế đất phải trả giá cao, người có nhu cầu thật rất khó tiếp cận khi mặt bằng giá bị đẩy lên cao.

“Nhìn chung, thị trường bất động sản chưa có chất lượng cao, dễ bị thao túng, dễ dẫn tới tình trạng ảo giá, bong bóng do những dự án, quy hoạch chưa thật sự chất lượng, vấn đề điều hành chưa sát sao. Nhiều địa phương, các sản phẩm bất động sản mọc đầy nhưng cũng chỉ để cho cỏ mọc, bê tông móc.

Nhà nước đang có nhiều nỗ lực để kiểm soát, điều hành vấn đề này. Chúng tôi đề xuất các giao dịch đều phải qua sàn giao dịch để kiểm soát tốt hơn, tránh tình trạng thao túng, lũng loạn, đầu cơ, thổi giá. Kiểm soát tốt nhưng vẫn phải tạo điều kiện”, ông Đính kiến nghị./.