Cụ thể, theo Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thủ đô ước thực hiện 227,3 nghìn tỷ đồng, đạt 55,6% dự toán pháp lệnh năm và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Thu nội địa 215,9 nghìn tỷ đồng, đạt 57% và tăng 12,9%; thu từ dầu thô 1,6 nghìn tỷ đồng, đạt 53,7% và tăng 36,9%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 9,8 nghìn tỷ đồng, đạt 36,3% và tăng 6,1%.

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa 5 tháng đầu năm 2024: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 41,9 nghìn tỷ đồng, đạt 59,4% dự toán năm và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 14,9 nghìn tỷ đồng, đạt 55,7% và tăng 15,8%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 48,3 nghìn tỷ đồng, đạt 61,4% và tăng 19,6%; thuế thu nhập cá nhân 23 nghìn tỷ đồng, đạt 56% và tăng 18,6%; thu tiền sử dụng đất 8,9 nghìn tỷ đồng, đạt 24,8% và gấp 3,2 lần; thu lệ phí trước bạ 2,8 nghìn tỷ đồng, đạt 43,4% tăng 3,1%; thu phí và lệ phí 9,6 nghìn tỷ đồng, đạt 49,3% và tăng 30,1%...

Đáng chú ý, bối cảnh thu từ đất đai trên địa bàn thành phố tăng mạnh khi từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản đón nhận “cơn sốt nóng” tại các dự án chung cư và nhà mặt đất.

Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023 của Bộ Xây dựng được công bố trước đó cho thấy, trong quý đầu tiên của năm nay, giá bán chung cư trung bình một số dự án tại TP. Hà Nội và TP.HCM dao động khoảng 50-70 triệu/m2.

Riêng tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư rao bán ghi nhận liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp (bán từ chủ đầu tư) và thứ cấp (người mua của chủ đầu tư sau đó bán lại).

Không dừng lại ở các dự án mới, trên thị trường có những dự án chung cư đã đi vào sử dụng từ 5-10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá khá cao. Hiện giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 tăng khoảng 38% so với năm 2019.

Trước tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã phải có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, môi giới, đặc biệt các dự án chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và các hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh bất động sản nếu có.

Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh lực cầu vào tháng 3, bước sang tháng 4, thị trường chung cư đã hạ nhiệt, nhưng giá vẫn neo cao.

Ảnh minh họa

Đáng chú ý, trong điều kiện hạn chế về nguồn cung, giá căn hộ sơ cấp Hà Nội đang “neo" cao, các dự án mới mở bán đều có giá thuộc phân khúc cao cấp. Trong khi đó, các căn hộ thứ cấp có giá xung quanh 3 tỷ đồng chỉ có ở các quận, huyện xa trung tâm, cũng đang được săn đón và ngày càng khan hiếm. Việc này, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã đẩy giá nhà tại các ngõ sâu của Hà Nội tăng cao.

Thông tin từ Hội viên VARS - một đơn vị chuyên kinh doanh mảng thổ cư cũng cho biết, quý I/2024 là giai đoạn doanh nghiệp ghi nhận lượng giao dịch cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

“Dữ liệu của Vars cho thấy, giá các căn nhà ở riêng lẻ đang được giao dịch đã tăng từ 5-15% so với cuối năm ngoái. Dù việc tăng giá ở đây còn có nhiều dấu hiệu bất thường nhưng không thể phủ định, lượng lớn quan tâm và giao dịch là thật”, VARS nhận định.

Trong khi đó, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing cho biết, trong quý đầu tiên của năm nay, lượng giao dịch thổ cư tại Hà Nội đạt 9.800 căn; trong đó, các giao dịch dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 44%. Riêng lượng giao dịch trong tháng 3/2024 đạt xấp xỉ 5.000 căn, tăng 153% so với tháng 2/2024 và tăng 38% so với tháng 12/2023.

Các giao dịch trong tháng 3/2024 chủ yếu đến từ nhà trong ngõ tại các quận ngoài trung tâm như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên... Số lượng giao dịch tại nhóm quận này tăng 176% so với tháng 2/2024.

Cũng theo báo cáo, đơn giá đất nhà trong ngõ ghi nhận xu hướng tăng trung bình 2,9-8% (so với cùng kỳ) từ 2020 đến nay. Trong quý I/2024, giá nhà trong ngõ đã đạt mức xấp xỉ 170 triệu đồng/m2 đất đối với khu vực trung tâm và gần 100 triệu đồng/m2 đất đối với khu vực ngoài trung tâm.

Liên quan đến việc này, mới đây, báo cáo kết quả thực hiện ngân sách năm 2023 gửi tới Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, số thu tiền sử dụng đất đạt 153.500 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 2,3% so với dự toán và báo cáo Quốc hội. Lý do là nhiều địa phương đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hoàn tất thủ tục đấu giá đất, thu hồi nợ đọng của các dự án. Trong đó, ba địa phương tăng thu tiền sử dụng đất hơn nghìn tỷ là Nghệ An (tăng gần 3.300 tỷ đồng), Thái Nguyên (hơn 1.400 tỷ) và Hà Nam (gần 1.100 tỷ). Nhiều địa phương cũng tăng thu ngân sách so với báo cáo Quốc hội là Huế, Quảng Nam, Kiên Giang, Tây Ninh...

Tuy nhiên, theo báo cáo, hai đô thị lớn nhất là TP.HCM và Hà Nội đều không đạt dự toán, giảm thu tiền sử dụng đất lần lượt 6.900 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng. Nhiều địa phương khác cũng giảm số thu tiền sử dụng đất so với năm 2022 như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Phước...

Nguyên nhân được Bộ Tài chính nêu ra là thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Việc duyệt dự án đấu thầu, đấu giá, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc. Nhiều địa phương còn đùn đẩy trách nhiệm, công tác chuẩn bị đầu tư chưa chủ động./.