Chiều ngày 1/8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành - thông báo Liên danh Vietur đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách (gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng). Điều này đồng nghĩa, hai liên danh còn lại là Hoa Lư và CHEC-BCEG-Vietnam Contractors của China Harbuor Engineering bị loại khỏi quá trình đấu thầu.
Liên danh Vietur bao gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (Mã: CC1), CTCP Kết cấu ATAD, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG), CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings, CTCP Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.
Đáng chú ý, trong liên danh này có sự xuất hiện của 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch Coteccons gồm Newtecons, Ricons và SOL E&C.
Trước đó, tham dự gói thầu sân bay Long Thành có 3 liên danh; trong đó có liên danh Hoa Lư do 7 nhà thầu trong nước kết hợp với một nhà thầu Thái Lan. Các thành viên trong liên danh là Coteccons, Unicons, Thành An, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình và một nhà thầu của Thái Lan là Powerline Engineering Public. Liên danh này do Coteccons đứng đầu.
Một liên danh khác do China Harbour Engineering Company (CHEC) đứng đầu, cùng với một công ty khác cũng đến từ Trung Quốc là Beijing Construction (BCEG).
Đáng chú ý, trước khi việc lựa chọn thầu được công bố, Ricons đã đệ đơn lên Tòa án Nhân dân TP.HCM yêu cầu Coteccons mở thủ tục phá sản do nợ doanh nghiệp này 322 tỷ đồng kéo dài.
Lợi nhuận đa số đi lùi, nợ vay gấp 2 -3 lần vốn sở hữu
Theo tìm hiểu, IC ISTAS, đơn vị đứng đầu liên danh VIETUR thành lập năm 1969, trực thuộc Tập đoàn IC Holding có trụ sở chính tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện Ic Istas hoạt động ở nhiều lĩnh vực: xây dựng, đầu tư hạ tầng, năng lượng, du lịch, công nghiệp trên phạm vi toàn cầu và có tổng doanh thu hàng năm tới 5 tỷ USD.
IC ISTAS có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn như bến cảng, sân bay, năng lượng,... tại khu vực các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nga,...
Được biết, công ty này từng tham gia đấu thầu xây dựng các sân bay quốc tế lớn tại các nước Nga, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari….
Đáng chú ý, ngoài IC ISTAS, 9 doanh nghiệp còn lại trong liên danh VIETUR đều là công ty trong nước, trong đó, nhiều doanh nghiệp đã niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hoặc TP.HCM.
Nhìn vào bức tranh tài chính của các doanh nghiệp đã công bố báo cáo quý 2 vừa qua có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp có lợi nhuận đi lùi; trong khi đó, nợ vay thường cao gấp 2-3 lần vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2023 đã được công bố của Tổng CTCP Xây dựng Hà Nội - HAN Corp (Mã: HAN - UPCoM) cho thấy, trong quý vừa qua, doanh nghiệp nay đạt 730 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước song tăng gấp 4,3 lần mức thấp điểm quý 1.
Giá vốn bán hàng tăng cao khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh hơn còn kỳ (-66%) còn 28 tỷ. Biên lãi gộp giảm từ 9,2% về mức 3,8% - mức thấp nhất 10 quý trở lại đây.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của HAN Corp 7.483 tỷ; Nợ phải trả của công ty ở mức 5.845 tỷ - gấp gần 3,6 lần vốn chủ sở hữu.
Cũng có lợi nhuận đi lùi, quý 2/2023, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (HOSE: VCG) ghi nhận doanh thu thuần gần 4.567 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ.
Tuy nhiên, do biên lợi nhuận gộp giảm, doanh thu tài chính giảm cùng với việc ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết, trong khi các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý đều tăng so với cùng kỳ… dẫn đến kết quả, lãi sau thuế giảm 21% còn 130 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 6.531 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 139 tỷ đồng, giảm 81%.
Về tài sản, tại ngày 30/06/2023, “ông lớn xây dựng” này nắm hơn 31.409 tỷ đồng; trong đó, gần 1.274 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm 26%. Nợ phải trả gần 21,455 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so đầu năm nhưng vẫn gấp 2,15 lần vốn chủ sở hữu.
Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2023, Phục Hưng Holdings (PHC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 737 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,98 tỷ đồng giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của PHC đạt 2.846 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn, chiếm 76,8% tổng tài sản với 2.187 tỷ đồng. Nợ phải trả tính đến ngày 30/6 là 2.182 tỷ đồng, chiếm đến 76,6% tổng nguồn vốn và cao gấp 3,2 lần vốn chủ sở hữu.
Ảm đạm hơn, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1) báo lỗ 2,5 tỷ đồng quý 2/2023, trong khi cùng kỳ lãi hơn 13 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, CC1 mang về 1.782 tỷ đồng doanh thu và 5,7 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 35% và 81% so với bán niên 2022.
Nợ phải trả tại thời điểm cuối quý 2/2023 ở mức 10.362 tỷ, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.
Trái ngược với những doanh nghiệp trong liên doanh đã công bố trên, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) có lẽ là doanh nghiệp có bức tranh sáng sủa nhất trong 6 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính đã được công bố, trong quý 2 vừa qua, doanh nghiệp này đạt hơn 2.102 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 24% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn có doanh thu hoạt động tài chính trong quý cũng đạt gần 27 tỷ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ; chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng, lãi trái phiếu hơn 21 tỷ đồng và cổ tức được chia 5.6 tỷ đồng.
Thêm vào đó, Ricons còn có khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết 63 tỷ đồng, gấp 22 lần so cùng kỳ. Kết quả, Ricons báo lãi hơn 52 tỷ đồng, tăng 90% so cùng kỳ.
Tại ngày 30/6, quy mô tài sản của Ricons ở mức 7.263 tỷ đồng, giảm 11% so đầu năm. Nợ phải trả là hơn 4.811 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2022, tuy nhiên, vẫn cao gấp đôi vốn chủ sở hữu chỉ có hơn 2.451 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính mới được công bố, để chứng minh cho công nợ của Coteccons, doanh nghiệp này đã chỉ đích danh CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) nợ hơn 322 tỷ đồng.
Vân Phong