Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 22/11, Quốc hội thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.

Mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023.

Về tình hình chung, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, sau thời gian bị tác động của đại dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội, tình hình công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH có xu hướng tăng trở lại và gần bằng với thời điểm trước đại dịch.

1_20231122084629.jpg

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023.

Trong năm 2023, số lượt công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tăng 1.615 vụ việc và tăng 102 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Riêng tại Địa điểm tiếp công dân của Quốc hội ở Hà Nội số lượt công dân tăng 752 lượt người với 877 vụ việc và 48 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội cũng tăng 1.384 đơn so với năm 2022.

Qua nghiên cứu, nội dung đơn thư của công dân gửi đến trong lĩnh vực hành chính chủ yếu có liên quan đến các lĩnh vực: về quản lý đất đai, xây dựng; về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về tranh chấp đất đai; về đòi lại đất cũ; về quản lý và vận hành nhà chung cư; về việc đầu tư, xây dựng và hoạt động của khu xử lý rác thải, chăn nuôi tập trung gây ô nhiễm môi trường...

Nội dung đơn thư thuộc lĩnh vực giải quyết của các cơ quan tư pháp chủ yếu là đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc chủ động tổ chức, thực hiện tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, ĐBQH ở một số địa phương còn hạn chế, còn phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của Đoàn ĐBQH.

Chất lượng phân loại, xử lý đơn còn hạn chế, vẫn còn tình trạng chuyển đơn đến cơ quan không đúng thẩm quyền giải quyết. Việc thực hiện chế độ báo cáo công tác dân nguyện của một số Đoàn ĐBQH chưa bảo đảm thời gian theo quy định…

Đối với Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc và có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhiều kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu và thực hiện có hiệu quả, như: kiến nghị về hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng đã được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng quan tâm nghiên cứu và bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) để khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp gây bức xúc trong nhân dân, được dư luận quan tâm đã được rà soát, giải quyết kịp thời; Nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm về an ninh, trật tự đã được Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an một số địa phương tích cực điều tra, kết luận để xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật, được cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát, việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện kiến nghị về hoàn thiện thể chế còn chậm, chưa rõ lộ trình thực hiện, như: quy định của pháp luật về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương còn thiếu tính chủ động, chưa kịp thời lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương.

Việc thông báo kết quả tiếp nhận, thụ lý và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cho cơ quan của Quốc hội, ĐBQH chuyển đến chưa kịp thời; chất lượng văn bản trả lời, thông tin kết quả giải quyết còn thiếu tính thuyết phục; một số vụ việc chưa xác minh, làm rõ vào nội dung công dân tiếp khiếu, tiếp tố dẫn đến công dân tiếp tục bức xúc; một số vụ việc cụ thể đã có kiến nghị nhưng chậm được thực hiện, việc giải quyết còn để kéo dài, không nêu rõ lộ trình giải quyết…

Việc chấp hành quy định tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp huyện, một số Bộ ngành chưa đảm bảo theo quy định của Luật Tiếp công dân, việc ủy quyền cho cấp phó còn khá phổ biến. Việc thực hiện đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đối với vụ việc cụ thể chậm được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện, hoặc cung cấp không đầy đủ theo yêu cầu mặc dù đã nhiều lần đôn đốc…

Xuân Hưng