Theo Bộ Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 giữ vị trí rất quan trọng, điều chỉnh một lĩnh vực rộng, tác động đến rất nhiều ngành, nhiều thành phần kinh tế, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đạt được nhiều kết quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, một số điều luật đến nay đã không theo kịp sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thị trường BĐS, nên đã nảy sinh những tồn tại, bất cập.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo về Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) với nhiều nội dung đổi mới, đáng chú ý là nội dung liên quan đến hoạt động của sàn giao dịch BĐS được quy định tại Điều 61 và Điều 62 của dự thảo đưa ra như sau: tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch môi giới BĐS phải thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phải đảm bảo điều kiện và đăng ký hoạt động theo pháp luật kinh doanh BĐS.

2c315526-dce3-46ae-b271-1bb6d83c68bb.jpg
Quy định giao dịch BĐS phải qua sàn giao dịch đã được Bộ Xây dựng đưa vào dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).

Riêng đối với hoạt động giao dịch BĐS, Bộ Xây dựng đề xuất phải thực hiện qua các sàn giao dịch BĐS theo 2 phương án, gồm:

Phương án 1, chủ đầu tư dự án BĐS khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS phải thực hiện thông qua sàn giao dịch môi giới BĐS;

Phương án 2, các BĐS đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định tại luật này mà chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS.

Ngoài ra, tại dự thảo lần này cũng đưa ra những quy định cho dòng sản phẩm căn hộ khách sạn (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa), công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel), nhà phố thương mại (shophouse); bổ sung quy định về việc điều tiết để bình ổn và bảo đảm sự ổn định, lành mạnh của thị trường.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, về cơ bản, Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) được nghiên cứu sửa đổi trên cơ sở kế thừa các nội dung đã được quy định trong Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 về kinh doanh BĐS; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS và quản lý Nhà nước về kinh doanh BĐS. Trong đó, kinh doanh BĐS là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua; thực hiện dịch vụ môi giới, dịch vụ sàn giao dịch; dịch vụ tư vấn và quản lý BĐS...

Để làm rõ phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về các loại BĐS đưa vào kinh doanh tại Điều 5. Đồng thời, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung để làm rõ, bảo đảm tính công khai, minh bạch của hoạt động kinh doanh BĐS, tránh chồng chéo, giao thoa của hệ thống pháp luật, cụ thể: các hoạt động kinh doanh nhà ở hiện được điều chỉnh ở cả 2 luật là Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2014 sẽ được nghiên cứu để thống nhất quy định trong Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) lần này; làm rõ các nội dung liên quan đến kinh doanh BĐS dưới dạng quyền sử dụng đất trong các dự án, tránh chồng chéo với pháp luật về đất đai; hợp nhất quy định yêu cầu về công khai thông tin BĐS của Luật hiện hành và quy định về thông tin nhà ở của Luật Nhà ở, để thống nhất quy định trong Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi)...

“Dự kiến, Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 và thông qua vào kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023; có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024” – đại diện Bộ Xây dựng cho hay.

Doãn Thành