Giá nhà tại Hà Nội tiếp tục gây bất ngờ khi giữ đà tăng khá mạnh trong các tháng vừa qua. Báo cáo từ Bộ Xây dựng và một số công ty nghiên cứu thị trường cho thấy: Giá chung cư mới và cũ, đã vào ở vài năm tại Hà Nội đều tăng, có dự án đã tăng tới khoảng 30% sau một năm.

Mức tăng giá như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch mua nhà của nhiều người đang làm việc tại Hà Nội. Cũng theo thông tin từ Bộ Xây dựng, lượng giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong các tháng vừa qua đã có xu hướng giảm so với hồi đầu năm và cùng kỳ năm ngoái. Lý do là bởi giá nhà đã ở mức cao và tâm lý người mua đang ở trạng thái chờ đợi.

Vào quý III năm 2023, giá sơ cấp trung bình (tức là giá mở bán của các chủ đầu tư) đối với căn hộ chung cư tại Hà Nội là 54 triệu đồng/m2. Tuy nhiên chỉ 1 năm sau, quý 3 năm nay, mức giá này đã đạt 69 triệu đồng/m2, tức là đã tăng thêm 15 triệu đồng/m2.

Chỉ sau 1 năm, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đã tăng thêm 15 triệu đồng/m2
Chỉ sau 1 năm, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đã tăng thêm 15 triệu đồng/m2

Với mức giá này, 70% số căn được giao dịch có giá trên 4 tỷ đồng. Chỉ 1% số căn hộ đã giao dịch có giá dưới 2 tỷ đồng. Các phân khúc khác như nhà thổ cư tại Hà Nội cũng tăng theo. Việc mua nhà đang trở nên ngày càng khó hơn, đặc biệt với những người trẻ.

Theo dự báo từ CBRE, trong các tháng tới, 75% tổng nguồn cung mới vẫn đến từ các chung cư cao cấp, có giá từ 60-200 triệu đồng/m2. Chỉ có 2 dự án mới chào bán với khoảng giá từ 50-60 triệu đồng/m2.

Savills cũng đưa ra báo cáo cho thấy, giá căn hộ sơ cấp hiện tại đã chạm mức 69 triệu đồng/m2, tăng 6% so với quý trước và 28% so với cùng kỳ năm ngoái, làm tác động đến thị trường căn hộ mới, đồng thời kéo giá của các căn hộ cũ lên tới 51 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 41% theo năm.

Đây là một sự gia tăng đáng lo ngại, bởi kể từ năm 2020, giá căn hộ thứ cấp tại Hà Nội đã tăng trung bình 17% mỗi năm.

Savills cũng dự báo trong quý IV/2024 sẽ có khoảng 9.700 căn hộ sẽ được mở bán, với 88% trong số đó đến từ các giai đoạn tiếp theo của những dự án lớn. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung này sẽ thuộc phân khúc hạng B (tức là các căn hộ có mức giá từ trung cấp trở lên, và sự thiếu hụt căn hộ bình dân vẫn là một vấn đề chưa thể giải quyết ngay).

Dự kiến, từ năm 2025 trở đi, khoảng 110.000 căn hộ từ 106 dự án sẽ ra mắt, tập trung ở các huyện ven như Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm và quận Hoàng Mai.

Hiện nay, các luật mới liên quan tới bất động sản đã có hiệu lực từ 1/8 vừa qua. Hành lang pháp lý cho các dự án mới đã khá rõ ràng. Dự kiến từ nay tới cuối năm, nguồn cung mới về nhà ở gắn liền với đất tại Hà Nội sẽ có thêm gần 5.000 căn mở bán. Chu kỳ khan hiếm nguồn cung nhà ở tại Hà Nội trong suốt 4 năm qua được dự báo sẽ chấm dứt.

Đáng chú ý, vừa qua, Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở. Theo đó, thành phố có thêm 6 dự án nhà ở xã hội tại quận Ba Đình, Long Biên và huyện Thanh Trì, Thạch Thất, với hơn 8.300 căn hộ. Hiện các dự án cơ bản giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026-2029, tức là trong vòng 2-3 năm tới.

Giới chuyên môn cho rằng, sự xuất hiện của phân khúc nhà ở xã hội, sẽ giúp kéo giá thị trường về mức hợp lý hơn.

Đáng chú ý, trong nội dung Công điện số 103 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo vừa mới ban hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Ngoài ra, hiện nay, các giải pháp thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà xã hội cũng đang được các bộ ngành, địa phương từng bước triển khai./.