LTS: Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, hiện nay, một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt. Cụ thể, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Cùng với đó, tình trạng lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.
Theo Tổng Bí thư, lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
“Căn bệnh” lãng phí đã “lây lan” đến nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Hàng nghìn dự án, công trình bị “đắp chiếu” nằm phơi nắng, phơi mưa là mối hoạ lớn cho đất nước…
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 191 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (thay thế Quy định số 32/2021) và Quyết định số 192 kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát, và từ thực tiễn, chúng tôi đăng tải tuyến bài viết về các dự án bất động sản bỏ hoang gây lãng phí và bức xúc cho người dân, với mong muốn góp thêm tiếng nói vào việc đẩy nhanh tiến độ dự án, khơi thông nguồn lực để tránh lãng phí tài sản, tài nguyên đất đai của doanh nghiệp và Nhà nước.
Có thể thấy, các dự án "treo" ngay giữa lòng Thủ đô đều có điểm chung: Năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, nếu không muốn nói là chưa đáp ứng để triển khai dự án. Trong đó, không ít doanh nghiệp đã quen với việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao để triển khai nhiều dự án trước đây, nhưng khi không còn tận dụng được "con dao hai lưỡi" này, đành "nằm im".
Nguyên nhân của điều này này bắt nguồn từ việc các cơ quan quản lý tiến hành siết chặt dòng vốn tín dụng vào bất động sản: Niềm tin của các nhà đầu tư bị bào mòn với lĩnh vực bất động sản khi hàng loạt doanh nghiệp bị chôn vốn, chủ dự án rơi vào vòng lao lý; hoặc tình trạng huy động vốn trái phép (thường sẽ bằng hình thức được gọi là "cọc thiện chí") khi giấy tờ pháp lý dự án chưa đầy đủ...
Usilk City
Một trong những dự án gây bức xúc nhất cho khác hàng nói riêng và dư luận nói chung, là Usilk City. Ở thời điểm hiện tại, khi đi qua trục đường Tố Hữu (quận Hà Đông), nhiều người dân không khỏi xót xa vì lãng phí khi dự án vẫn chỉ là khối bê tông khổng lồ hoang tàn, cốt thép hoen gỉ do thời tiết.
Dự án Usilk City do Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư, được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn, thay đổi bộ mặt của quận mới Hà Đông ở thập kỷ trước, gồm 13 tòa nhà cao từ 25-50 tầng, với 2.800 căn hộ cao cấp, tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng.
Được khởi công xây dựng từ 2008, theo kế hoạch, trong hai năm 2012-2013, chủ đầu tư Sông Đà - Thăng Long hứa hẹn sẽ bàn giao nhà cho người mua. Thế nhưng, sau khi xuống tiền mua căn hộ, nhiều khách hàng đã phải "ôm hận" vì tiến độ thi công chậm, liên tục dừng triển khai. Cay đắng hơn, có những khách hàng đã qua đời nhưng chưa thể nhìn thấy căn nhà lần cuối, và không ít khách hàng đã khánh kiệt về tài chính.
Trong báo cáo tài chính năm 2012 đã được kiểm toán của STL, nợ phải trả ghi nhận 5.297 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn... 78,7 tỷ đồng - một đòn bẩy tài chính không khiến nhiều người phải giật mình.
Kết luận số 99/KL-TTTP-P2 ngày 12/01/2017 của Thanh tra TP Hà Nội nêu rõ, tính đến ngày 31/3/2016, Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long đã sử dụng số tiền hơn 5.302 tỷ đồng thu được của khách hàng mua căn hộ hình thành trong tương lai và các tổ chức tín dụng dùng để đầu tư ra bên ngoài, sử dụng sai mục đích.
Hồ Tùng Mậu Tower
Dự án Hồ Tùng Mậu Tower, nằm tại vị trí đắc địa ngã tư Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, được cấp phép đầu tư từ tháng 12/2020 với diện tích 6.291 m2.
Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, bao gồm tòa nhà hỗn hợp thương mại, văn phòng và khách sạn, do Công ty Từ Liêm và Central Capital làm chủ đầu tư.
Mặc dù khởi động thi công vào đầu tháng 10 với việc huy động máy móc và công nhân, dự án bất ngờ ngừng thi công, công trường vắng bóng người, máy móc đã được di chuyển, chỉ còn lại vật dụng dang dở.
Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội
Đây là dự án tại số 9 phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy (Hà Nội) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư số 181/GP ngày 20/1/1997. Dự án do Tập đoàn Keystone Invest làm chủ đầu tư với tổng số vốn 50 triệu USD (tương đương hơn 1.100 tỷ đồng).
Năm 2001, UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 9.998m2 đất tại phường Nghĩa Tân, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) và cho phép bệnh viện này thuê 8.540m2, quản lý 1.458m2 trong thời hạn 40 năm.
Dù vậy, dự án bệnh viện sau hơn 20 năm, giờ chỉ còn là phế tích, rác thải chất đầy xung quanh. Hầu hết các hạng mục đã bị bỏ hoang, xuống cấp.
Tháp Vicem
Được đầu tư từ năm 2010 trên khu đất rộng gần 8.500 m2, diện tích xây dựng là 2.800 m2; quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm. Tổng mức đầu tư ban đầu là 1.951 tỷ đồng, sau đó năm 2011 được điều chỉnh lên 2.743 tỷ đồng. Việc đầu tư nhằm xây dựng trụ sở làm việc của Vicem, các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại.
Năm 2011, toà tháp được khởi công, tuy nhiên sau khi hoàn thành thi công xây lắp toàn bộ kết cấu phần ngầm, phần thân công trình thì bị đắp chiếu từ 8/2015 đến nay.
Sau khi dự án này bị chậm tiến độ và đội vốn, VICEM đã đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng cho phép lập phương án, tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng, mong muốn hoàn vốn đầu tư.
Tháng 8/2016, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng và được chấp thuận chủ trương cho phép VICEM chuyển nhượng dự án tháp Vicem vào tháng 3/2017.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các bước chuyển nhượng dự án tháp Vicem gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan pháp luật về đầu tư, đất đai, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và các pháp luật liên quan, thị trường bất động sản trầm lắng…
Hattoco
Khởi công từ năm 2009 với kỳ vọng trở thành tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại vị trí đắc địa của Thủ đô, dự án Hattoco với vốn đầu tư 900 tỷ đồng vẫn chỉ là khung bê tông trơ trọi, gây thất vọng và đặt ra nhiều câu hỏi về tiến độ kéo dài suốt 15 năm.
Dự án Hattoco, hiện đang được biết đến với tên gọi Golden Millennium Tower, là một tổ hợp đa chức năng bao gồm văn phòng, trung tâm thương mại và chung cư cao cấp. Nằm tại vị trí đắc địa số 110 đường Trần Phú, thuộc phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
Dự án do Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình (Ba Đình CIC) làm chủ đầu tư với số vốn khoảng 900 tỷ đồng.
Sudico Tiến Xuân
Dự án Khu đô thị Sudico Tiến Xuân nằm trên địa phận xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) và Đông Xuân (huyện Quốc Oai) có chủ đầu tư là Công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), quy mô 1.200 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng từ thời điểm 2007.
Dù tiến độ thực hiện được chủ đầu tư giới thiệu từ năm 2007 đến năm 2016, nhưng qua nhiều năm, cử tri địa phương đã bày tỏ bức xúc do dự án trong nhiều năm gây rất nhiều khó khăn cho nhân dân: không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc giao dịch vay vốn để sản xuất kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Manhattan Tower
Manhattan Tower là dự án tọa lạc tại "đất vàng" số 21 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) với quy mô 2 blocks 30 tầng, 327 căn hộ (62-428 m²).
Dự án ban đầu có tên gọi Thành An Tower và được cấp đất từ năm 2009 với tổng diện tích đất là 4.182 m2. Tuy nhiên, sau khi được giao đất, Tổng công ty Thành An không tự triển khai dự án mà bán lại cho Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình theo hình thức hợp tác kinh doanh.
Sau gần 10 năm "bất động", đầu năm 2018, dự án Thành An Tower đã được tái khởi động với tên gọi mới là Manhattan Tower, cùng với sự xuất hiện của đơn vị phát triển dự án mới là Công ty Cổ phần Landmark Holding, sau này đổi tên thành Công ty Cổ phần Quốc tế Holding (LMH).
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra những vi phạm xảy ra tại dự án này và cho rằng, việc dự án 4 lần điều chỉnh sai quy định đã làm thay đổi từ đất cơ quan cải tạo chỉnh trang (năm 2002, 2006) thành cơ quan văn phòng cao 25 tầng (năm 2008); cuối cùng trở thành dự án văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán (năm 2010).
Sau nhiều năm bỏ hoang hóa trên “đất vàng” Thủ đô, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại dự án Thành An Tower theo quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Apex Tower
Đối viện tháp "khung xương" của Vicem là dự án Apex Tower do Công ty Cổ phần Tòa nhà Cavico Việt Nam và Công ty Cổ phần Tu tạo và Phát triển Nhà làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD (hơn 381 tỷ đồng).
Nằm trên lô "đất vàng" ở đường Phạm Hùng, dự án có diện tích 2.780m², trong đó diện tích sàn xây dựng 44.000m², với tòa nhà cao khoảng 100m, gồm 27 tầng nổi và 3 tầng hầm.
Dù được khởi công từ năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012, nhưng đến nay Apex Tower mới chỉ hoàn thiện phần thô và bị bỏ hoang suốt nhiều năm.
Chung cư Đền Lừ III
Mặc dù đã hoàn thành từ năm 2017, dự án khu tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai) vẫn trong tình trạng hoang phế và nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.
Dự án được xây dựng qua 5 khối nhà cao tầng từ CT1 đến CT5, trong đó CT1, CT3 và CT4 cao 17 tầng, CT2 và CT5 cao 13 tầng trên khu đất có tổng diện tích 17.731m2, tổng diện tích đất xây dựng công trình 5.889m2. Số hộ dự kiến đạt được khoảng 584 căn hộ.
Theo quyết định ban đầu UBND TP. Hà Nội phê duyệt, dự án nhà phục vụ tái định cư khu di dân Đền Lừ III thực hiện từ năm 2011 đến 2014. Tuy nhiên, đến năm 2013 dự án này vẫn là khu đất trống; cho đến năm 2015, dự án mới triển khai thi công phần móng và đến 2017, dự án mới hoàn thành xây dựng.
Cửa ra vào bị khóa xích, rất nhiều cửa sổ bị vỡ kính, cỏ dại mọc um tùm, lớp sơn tường bạc màu và bong tróc, nhiều mảng tường bị hoen gỉ, vỡ nứt, nhiều phần xây dựng cũng chưa được hoàn chỉnh… tạo nên cảnh quan vô cùng nhếch nhác.
Khu đô thị Dương Nội
Khu đô thị Dương Nội tọa lạc tại Km 4 - Tố Hữu (đường Lê Văn Lương kéo dài), là một trong những dự án quy mô lớn ở phía Tây Hà Nội. Được khởi công vào năm 2008, dự án có tổng mức đầu tư ban đầu lên đến 7.642 tỷ đồng, quy mô gồm 1.116 căn.
Chủ đầu tư đã hoàn thiện mặt ngoài và bàn giao cho khách hàng vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, hàng trăm biệt thự tại đây vẫn trong tình trạng bỏ hoang, không có người ở.
Dự án của Tập đoàn Bảo Việt
Với diện tích gần 3.200 m2, dự án Nhà ở cao tầng để bán của Tập đoàn Bảo Việt nằm ngay ngõ 265 Ngọc Hồi, chỉ cách phố Giải Phóng hơn 1 km, được coi là một trong những khu "đất vàng" còn lại giữa Hà Nội. Tuy nhiên, thay vì được xây dựng, khu đất này lại bị quây tôn, cỏ dại mọc đầy và một số căn nhà bị thu hồi xuống cấp, loang lổ vữa bong tróc.
Nhiều hộ dân xung quanh đã tận dụng đất hoang để trồng rau, trong khi dự án vẫn "bất động".
Theo kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, dự án đã hết tiến độ và chưa được đầu tư xây dựng, dù đã được gia hạn thêm thời gian.
Tokyo Tower
Tokyo Tower trước đây được biết đến với tên gọi chung cư Vinafor hay Landmark 51, được xây dựng trên diện tích gần 4.600m2 và bao gồm 688 căn hộ, cung cấp 2 loại căn hộ: 2 phòng ngủ và 3 phòng ngủ.
Mặc dù từng được kỳ vọng sẽ trở thành "trái tim của quận Hà Đông", nhưng đến nay Tokyo Tower chỉ mới hoàn thành phần thô và vẫn nằm "đắp chiếu" trong suốt nhiều năm.
Dự án gặp phải nhiều rắc rối, từ những bất cập trong hợp đồng phân phối đến việc chủ đầu tư không đủ khả năng triển khai, bán hàng nhưng không thực hiện giải chấp.
Dự án được cho là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội, được đánh giá mang tầm thế kỷ. Thế nhưng hiện tại dự án mới chỉ xây xong phần thô, không thấy có hoạt động xây dựng để hoàn thiện dự án trong khi theo kế hoạch, dự án được hoàn thiện và bàn giao sử dụng vào quý IV/2017.
Ngoài ra, ở Hà Nội hiện vẫn còn rất nhiều dự án "treo" khác. Có thể kể đến Khu đô thị Tổng cục V, dự án xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm ngành nghề truyền thống dịch vụ và kinh tế tổng hợp HTX xã Mỹ Đình, dự án tòa nhà Tincom Pháp Vân, dự án tổ hợp chung cư BooYoung Vina... |