Ngày 28/3, trận động đất 7,7 độ tại miền Trung Myanmar đã gây ra ít nhất 10 dư chấn với cường độ từ 2,8 đến 7,5. Hậu quả là hơn 1.600 người chết và hàng trăm người mất tích. Việt Nam dù ở cách xa tâm chấn hàng nghìn km nhưng cũng ghi nhận rung lắc.
Khoảng 13h30 ngày 28/3, nhiều người dân sống trên các tòa chung cư ở quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng (Hà Nội) cảm thấy nhà rung chuyển, người chóng mặt như bị tụt huyết áp.
Chịu dư chấn mạnh hơn, đồ đạc nhiều tòa chung cư cao tầng ở TP.HCM bị rung lắc mạnh khiến hàng trăm người hốt hoảng tháo chạy ra cầu thang, chạy xuống tầng 1, ùa ra bên ngoài.
Một ngày sau trận động đất xảy ra, ngày 29/3, nhiều người dân chung cư Diamond Riverside, phường 16 (TP.HCM) hốt hoảng khi phát hiện nhiều vị trí tường nhà bị nứt sau rung lắc.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện Ban quản trị chung cư Diamond Riverside cho biết, sau khi xảy ra rung chấn, đơn vị đồng loạt nhận thông tin từ cư dân về tình trạng tường, trần, gạch trong nhà bị bong tróc.
Đến trưa 29/3, nơi này được ghi nhận có 342 căn hộ bị nứt tường, một số vị trí hành lang, sân thượng nền bị phồng, bong gạch... Các căn bị nứt nằm rải rác ở cả 4 block, tuỳ vị trí có các vết nứt nhẹ hoặc sâu.
Hiện phía chung cư đã lập danh sách các căn hộ bị nứt để gửi qua đơn vị bảo hiểm xem xét, xác định nguyên nhân. Đồng thời, Ban quản trị chung cư cũng đã thông báo và khuyến cáo các chủ hộ tạm thời chưa tác động hoặc sửa chữa nhà, nhằm rà soát kỹ để thống nhất phương án khắc phục.

Cùng thời điểm, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, không ít người tỏ ra lo sợ khi đang sống trong những căn hộ chung cư cao tầng.
Bạn có nick Trum Xì viết: “ở trên cao sợ lắm. Chạy không kịp mô”.
“Bảo rồi, chung cư chỉ là giải pháp thạm thời thôi, nhà mặt đất vẫn là chân ái, nếu không may có sự cố điện đóm, thiên tai thì cơ hội khắc phục nó vẫn dễ và an toàn hơn chung cư cao tầng rất nhiều. Thế nên đa số các nước bên châu Âu, toàn nhà thấp tầng, nhà cao tầng có nhưng không nhiều”, bạn Nguyễn Đức Huy viết.
Không đồng tình quan điểm, bạn Bùi Trọng Hoàn cho rằng, ở Việt Nam có loại động đất này đâu mà cứ lo ở chung cư nguy hiểm. Lo bò trắng răng không à. Bao năm cháy tỉ lệ chết người ở nhà đất so với chung cư là 99% đấy. Cái quán karaoke Trần Thái Tông năm nào 13 mạng, giờ vẫn để mốc từ tầng 2 không ai thuê. Ở đó mà ở nhà đất an toàn hơn chung cư ở Việt Nam”.
Cùng phản hồi lại ý kiến trên, bạn Đại Nguyễn cho rằng, vì người ta không mua được nhà mặt đất nên bắt buộc phải sống ở chung cư thôi, so sánh tào lao.
Lo xa hơn, bạn Cong Thanh Nguyen cho rằng, nhìn các quốc gia từng có tiền sử có động đất và các vùng lân cận bị ảnh thì nên có chủ chương hạn chế xây nhà cao tầng và hỗ trợ người dân có chỗ ở hoặc xây mới đối với các loại hình nhà cũ kém chất lượng không đảm bảo an toàn.
“Thiên tai ngày càng nghiêm trọng khó lường cho nên khi xảy ra rất nhiều công dân sẽ gặp nguy hiểm”, bạn Cong Thanh Nguyen viết.
Chống động đất là yêu cầu bắt buộc khi xây dựng công trình ở Việt Nam
Ông Lê Văn Thịnh, cựu Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, đối với các công trình tại Việt Nam, thiết kế công trình chống động đất là một trong những yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người sử dụng, đặc biệt trong các khu vực địa chất không ổn định. Yêu cầu thiết kế chống động đất không chỉ được quy định bởi pháp luật mà còn là tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết để bảo vệ công trình khỏi các tác động của động đất.
Cụ thể, Điều 91 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã có quy định về việc đảm bảo an toàn công trình. Theo đó, các công trình xây dựng phải được thiết kế và thi công đảm bảo khả năng chịu lực, tính ổn định và tính bền vững trong điều kiện động đất. Đặc biệt, đối với những khu vực có nguy cơ động đất cao, công trình phải đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện thiết kế công trình chống động đất, các chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế cần tuân theo các bước từ đánh giá nguy cơ động đất; tính toán tải trọng động đất có thể tác động lên công trình có kể đến các yếu tố như độ cứng của đất, cấu trúc địa chất, và độ cao của công trình.
Thiết kế cấu trúc của công trình phải đảm bảo khả năng chống chịu được động đất. Cấu trúc này bao gồm các hệ thống khung chịu lực, tường cứng, lõi cứng và các giải pháp kỹ thuật khác nhằm tăng cường độ bền vững của công trình.
Sau khi hoàn thành thiết kế, chủ đầu tư cần nộp hồ sơ để cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định để làm cơ sở phê duyệt thiết kế. Quá trình này đảm bảo rằng thiết kế đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật và an toàn.
Trong quá trình thi công, cần giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất để đảm bảo chất lượng công trình.
Các tòa nhà chung cư, nhà ở tập thể khác từ cấp II trở lên thuộc danh mục công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng nên phải chịu sự kiểm tra của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh hoặc của Bộ Xây dựng.
"Trên đây là những yêu cầu bắt buộc mà mọi công trình xây dựng trong khu vực có nguy cơ động đất cần tuân thủ. Thiết kế, thi công công trình chống động đất không chỉ đảm bảo an toàn cho người sử dụng mà còn góp phần bảo vệ tài sản và giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra động đất. Yêu cầu thiết kế, thi công chống động đất cần được thực hiện đầy đủ và chính xác để đảm bảo chất lượng và độ bền vững của công trình", ông Thịnh nhấn mạnh./.