Những năm gần đây, khi thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ và sôi động rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước, cùng với đó là sự bùng nổ các sàn giao dịch bất động sản mọc lên khắp nơi và kéo theo là đội quân đông đảo tham gia hoạt động môi giới.
Bên cạnh đó, hiện nay cũng có rất nhiều cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và không đăng ký nộp thuế theo quy định. Tình trạng môi giới tự do “quảng cáo láo”, thông tin sai sự thật về các bất động sản được rao bán trên thị trường cũng như kê giá để hưởng phần chênh lệch đã và đang xảy ra khá phổ biến khiến Nhà nước thất thu thuế rất lớn từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản này. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Xây dựng nên nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định có liên quan nhằm tạo môi trường kinh doanh bất động sản hoạt động minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng “sốt đất” tăng giá đất nền. Cùng với đó, cứ mỗi khi một khu vực có thông tin giá đất rục rịch tăng thì chỉ sau một đêm, hàng chục sàn, trung tâm môi giới bất động sản mọc lên. Đặc biệt, các sàn hay trung tâm môi giới bất động sản này đều hoạt động “ngoài luồng” tức không bảo đảm các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, môi giới.
Không chỉ lừa đảo bằng hình thức thông tin “ảo” để sập bẫy nhà đầu tư vào các dự án không đủ điều kiện, một bộ phận môi giới bất động sản có hành vi găm đất, thổi giá tạo sốt ảo nhằm lũng đoạn thị trường. Nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho các chủ đầu tư dự án lừa khách hàng, làm ảnh hưởng uy tín các chủ đầu tư chân chính.
Trước thực trạng này, nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động môi giới bất động sản, ngày 28/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản với một số nội dung như: Không có chứng chỉ hành nghề, không có quy chế hoạt động sàn giao dịch, thu các loại phí kinh doanh dịch vụ mà pháp luật không quy định, rao bán bất động sản không đủ điều kiện, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ hồ sơ, thông tin về bất động sản,…
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, để hướng đến dịch vụ môi giới bất động sản chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, cùng với các quy định xử phạt, cần quy hoạch lại hoạt động môi giới bất động sản và đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước với các quy định rõ ràng, minh bạch trong việc cấp thẻ hành nghề môi giới và đăng ký kinh doanh. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới bất động sản, có chế tài xử lý vi phạm mạnh hơn đối với hành vi môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.
Bên cạnh đó, cần siết chặt môi giới bất động sản, để thị trường hoạt động minh bạch, tránh tình trạng những người môi giới cố tình đưa những thông tin sai sự thật gây các cơn “sốt đất” làm ảnh hưởng đến các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều này, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các sở ngành kiểm tra thường xuyên hoạt động này, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo đúng pháp luật và công khai rộng rãi cho mọi người dân biết.
Ngoài kiểm tra phát hiện xử phạt hành chính kịp thời, các địa phương cần xử lý nghiêm các phạt bổ sung như: Tước quyền hoạt động của người môi giới, sàn giao dịch bất động sản. Bên cạnh đó, những khách hàng có nhu cầu mua bất động sản nên tìm đến những sàn giao dịch bất động sản, người môi giới có uy tín, đủ điều kiện để góp phần giảm bát nháo trong môi giới bất động sản hạn chế tình trạng lũng đoạn, gây “sốt ảo” cho thị trường.
K.C