Như chúng tôi đã đưa tin, suốt 11 tháng năm 2023, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản liên tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bước sang tháng cuối cùng của năm (tháng 12), dòng vốn này tăng trưởng đột biến, “cứu thua” cho ngành bất động sản trong cả năm.
Cụ thể, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2023, ngành kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 về thu hút nguồn vốn ngoại với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Trước đó, theo công bố, tính đến ngày 20/11, ngành kinh doanh bất động sản mới thu hút được hơn 2,87 tỷ USD nguồn vốn FDI, giảm 31,4% so với cùng kỳ.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, từ đầu năm đến nay, nhiều “ông lớn” bất động sản nước ngoài, gồm: CapitaLand, Gamuda Land, Keppel hay SkyWorld… đã rót đã rót hàng triệu USD vào thị trường Việt Nam.
2 thương vụ lớn của Keppel ở Hà Nội và TP.HCM
Vào đầu tháng 2/2023, Tập đoàn Keppel (Singapore) và Nhà Khang Điền đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) để hợp tác phát triển các dự án dân cư và các khu đô thị bền vững tại TP HCM.
Sau đó vào tháng 5, Keppel đã công bố thỏa thuận hợp tác với Khang Điền tại hai dự án ở TP Thủ Đức, TP HCM với tổng giá trị ước tính trên 187 triệu SGD.
Cụ thể, theo công bố ngày 26/5, Tập đoàn Keppel (Keppel Corporation Limited) sẽ cùng với quỹ Keppel Việt Nam (KVF, quỹ đầu tư của Keppel) đầu tư vào 2 dự án nhà ở của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH).
Hai dự án này bao gồm Emeria (6 ha) và Clarita (5,8 ha) cùng tọa lạc trên đường Võ Chí Công, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Theo đó, Keppel cùng KVF ký hợp đồng sở hữu 49% lợi nhuận từ 2 dự án tại Thủ Đức của KDH, với tổng vốn đầu tư gần 3.200 tỷ đồng. KDH sẽ nắm 51% còn lại, và hai bên sẽ cùng nhau phát triển dự án.
Theo kế hoạch, Keppel và Khang Điền sẽ cùng phát triển tổng cộng hơn 200 căn nhà liền thổ và 600 căn hộ chung cư tại hai dự án trên. Tổng chi phí phát triển dự án này, bao gồm chi phí đất đai, dự kiến khoảng 10.200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau thành công của thương vụ trên, tháng 7/2023, Keppel Land đã thông qua công ty con là VN Prime Vietnam (VNPV) mua lại 65% cổ phần tại một doanh nghiệp sở hữu một bất động sản bán lẻ tại Hà Nội.
Dự án này nằm trong một tổ hợp bất động sản đang xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2025. VNPV sẽ chi khoảng 1.230 tỷ đồng vào thương vụ này, công ty dự kiến thanh toán bằng tiền mặt trong hai đợt.
Ảnh minh họa
Gamuda chi 7.300 tỷ mua dự án 3,7 ha ở TP.HCM
Tháng 7/2023, Gamuda Berhad cho biết, doanh nghiệp này đã thông qua công ty bất động sản thành viên là Gamuda Land ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần để mua lại CTCP Bất động sản Tâm Lực, chủ dự án 3,68 ha tại TP Thủ Đức, TP HCM với giá 315,8 triệu USD.
Gamuda cho biết, khu đất này là địa điểm được xây các toà nhà hỗn hợp cao tầng, đã được phê duyệt quy hoạch và đã đủ điều kiện để triển khai, dự kiến sẽ xây dựng công trình hỗn hợp cao 40 tầng gồm 1.968 căn hộ, 12 căn penthouse 51 gian hàng tại khối đế và 21 căn shophouse, tổng giá trị phát triển khoảng 1,1 tỷ USD.
Thời gian phát triển dự kiến là 5 năm, các căn hộ tại dự án này sẽ thuộc phân khúc cao cấp, giá bán 4.000 - 7.000 USD/m2. Dự án nằm tại trung tâm TP Thủ Đức, kết nối trực tiếp với Xa lộ Hà Nội và nút giao thông An Phú, là cửa ngõ của đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
CapitaLand âm thầm “thâu tóm” 2 dự án lớn ở Hà Nội và TP.HCM
Đầu tháng 11 vừa qua, thị trường bất động sản Hà Nội đón tin vui khi Capitaland bất ngờ công bố ra mắt dự án 18.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD Singapore) tại phía Tây Hà Nội.
Dự án này trước đây do Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Kinh doanh Ánh Sao sở hữu từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, mới đây đã thực hiện một loạt thay đổi về đăng ký kinh doanh, với vai trò chủ sở hữu và người đại diện pháp luật chuyển sang công ty thành viên và lãnh đạo CapitaLand Việt Nam.
Trong đó, chủ sở hữu của Công ty Ánh Sao đã được chuyển sang CVH Neuve PTE, công ty con được CapitaLand thành lập cuối năm 2017.
Đại diện phần vốn cho CVH Neuve đều là lãnh đạo của CapitaLand Việt Nam, gồm ông Tay Boon Hwee - Giám đốc điều hành CapitaLand Việt Nam, Patrick Liau Kong Voon - Tổng giám đốc khu vực miền Bắc CapitaLand Development Việt Nam và bà Jazreel Lim - chuyên gia tài chính.
Dự án tách ra có tên Dự án xây dựng các khu chức năng tại lô đất C3-CH01, C3-CH02, C3-CH03, C3-CX01 và C3-CX02. Tổng mức đầu tư cho dự án này là hơn 7.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2025.
Đầu tháng 8, chức danh tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Ánh Sao được chuyển sang ông Patrick Liau Kong Voon. Vốn điều lệ của công ty này theo cập nhật mới nhất vào cuối tháng 9 tăng lên hơn 7.660 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 30/11, UBND tỉnh Bình Dương đã cho phép Becamex IDC được chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu đô thị mới (tại các lô B8, B9, B10, B12, B13, B14, B15 quy mô 18,9 ha) thuộc Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ - đô thị Bình Dương (Khu đô thị nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho Công ty TNHH Sycamore (thuộc CapitaLand).
Dự án chuyển nhượng gồm tổng cộng 462 căn nhà ở biệt thự thấp tầng và khoảng 3.300 căn hộ. Tổng diện tích xây dựng khoảng 592.876 m2. Quy mô dân số dự kiến của khu đô thị là 12.500 người. Tổng mức đầu tư trên 13.645 tỷ đồng.
Giá trị chuyển nhượng khu đất 18,9 ha chỉ hơn 242 triệu USD (tương đương 5.085 tỷ đồng, tỷ giá theo thời điểm ký kết hợp đồng).
Doanh nghiệp Nhật bắt tay Hưng Thịnh làm dự án 10.000 tỷ
Ngày 13/7, Tập đoàn Hưng Thịnh và Tập đoàn Marubeni đã ký kết hợp tác đầu tư phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam.
Dự án khởi đầu tọa lạc tại trung tâm hành chính mới của thành phố Thủ Đức có tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng.
Sau lễ ký kết, Marubenisẽ cùng hợp tác với Tập đoàn Hưng Thịnh chuẩn bị xây dựng phương án và giải pháp thông minh phát triển dự án.
Thêm một “ông lớn” Malaysia rót vốn vào thị trường Việt Nam
Ngày 7/9, SkyWorld Development Berhad - một tập đoàn bất động sản Malaysia cho biết, Công ty TNHH SkyWorld Development (công ty con do SkyWorld sở hữu 100% vốn) đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần có điều kiện với 3 cá nhân để mua lại toàn bộ 1,7 triệu cổ phiếu phổ thông của CTCP Sản xuất Thương mại và Kinh doanh Bất động sản Thuận Thành.
Với 100.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị giao dịch của thương vụ này là 350 tỷ đồng, tương đương khoảng 67,9 triệu MYR. Qua đó, SkyWorld mua lại khu đất có diện tích hơn 5.000 m2 tại phường 16, quận 8, TP HCM để phát triển toà nhà chung cư cao 24 tầng trên khu đất này.
Nhà sáng lập SkyWorld - ông Ng Thien Phing cho biết, đây là liên danh đầu tiên của tập đoàn ở nước ngoài, thương vụ này đánh dấu cột mốc quan trọng của SkyWorld. Kể từ khi niêm yết hồi tháng 7, doanh nghiệp đã đặt mục tiêu tiến vào thị trường Việt Nam...
“Nhờ vào sự ổn định về chính trị cũng như là những chính sách khuyến khích đầu tư đã thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bên cạnh đó cùng với nhiều thành tựu ấn tượng trong việc hợp tác và hội nhập như ký kết thêm các hiệp định FTA mới, nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện với các quốc gia như Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng thống Biden vừa qua đã mang đến thỏa thuận về hợp tác toàn diện và phát triển thị trường sản xuất công nghệ cao và bán dẫn giữa 2 quốc gia.
Việt Nam đã và đang tiếp tục lọt vào “tầm ngắm” của một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó đáng chú ý là TP.HCM - trung tâm kinh tế tài chính và Hà Nội - trung tâm chính trị của cả nước, có những bước phát triển nhanh chóng sau khi bộ luật về bất động sản được ban hành vào năm 2003. Kể từ đó, hoạt động M&A nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng cũng được ghi nhận đã tăng lên đáng kể cả về số lượng và giá trị giao dịch.
Mặc dù, tình hình nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng từ đầu năm 2023 đến nay còn gặp nhiều thách thức, tuy nhiên, dự báo sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực.
Các mục tiêu đầu tư dự kiến vẫn nằm ở việc tìm kiếm những quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển”, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định.
Minh Quân