Loạt dự án mở bán mới ở vùng ven kéo tụt giá nhà “triệu đô” ở Hà Nội
Báo cáo thị trường bất động sản của Savills cho thấy, trong quý I vừa qua, thị trường biệt thự, liền kề ở Hà Nội đón nhận 4.004 căn nguồn cung sơ cấp, tuy giảm so với quý IV/2024 nhưng tăng gấp 6 lần theo năm.
Trong đó, nguồn cung mở bán mới đạt 2.319 căn (97% đến từ Vinhomes Wonder City), dự án có mức giá khởi điểm thấp hơn so với Vinhomes Global Gate được mở bán trước đó.
Tổng lượng giao dịch biệt thự, nhà liền kề trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt 1.629 căn, giảm 49% theo quý nhưng tăng mạnh theo năm.
Dẫn đà phục hồi này là các dự án của Vinhomes với số lượng giao dịch sôi động tại Vinhomes Global Gate tính đến quý này đạt hơn 80% nguồn cung được hấp thụ và Vinhomes Wonder City với khoảng 30% nguồn cung được bán.
Cơ cấu thị trường tiếp tục ghi nhận sự dịch chuyển về khu vực vùng ven, trong đó Đông Anh chiếm 52% tổng lượng giao dịch sơ cấp, tiếp theo là Đan Phượng với 43%; các khu vực khác như Thường Tín hay Hà Đông đóng góp khoảng 5%.
Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường trong quý ghi nhận ở mức 41%, giảm 26 điểm % theo quý nhưng tăng 13 điểm % so với cùng kỳ năm 2024.
Về mặt bằng giá, báo cáo cho thấy, các sản phẩm nhà ở thấp tầng đều ghi nhận mức giảm theo quý nhưng tăng theo năm. Cụ thể, giá biệt thự giảm 14% theo quý nhưng tăng gấp đôi theo năm, trung bình đạt 282 triệu VNĐ/m2. Giá nhà liền kề giảm 14% theo quý, tăng 24% theo năm, đạt 239 triệu VNĐ/m2 đất. Giá nhà phố thương mại giảm 12% theo quý và ổn định theo năm, đạt 278 triệu VNĐ/m2 đất.
Trái lại, ở thị trường thứ cấp ghi nhận xu hướng khác biệt khi giá theo quý ghi nhận mức tăng. Giá biệt thự tăng 10% theo quý, đạt 195 triệu VNĐ/m2 đất. Giá liền kề tăng 15%, đạt 227 triệu VNĐ/m2 đất và nhà phố thương mại tăng 9%, lên 266 triệu VNĐ/m2 đất.

Khan hiếm biệt thự, liền kề có giá dưới 20 tỷ đồng/căn
Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội nhận định, việc giá sơ cấp của biệt thự và liền kề tại thị trường Hà Nội có sự điều chỉnh giảm theo quý là bởi nguồn cung của quý này chủ yếu là các dự án mới ra mắt tại khu vực vùng ven có mức giá mềm hơn so với những dự án trước.
Theo bà Hằng, trong 5 năm qua, giá trị bất động sản thấp tầng ở Hà Nội đã tăng đáng kể. Giá biệt thự tăng trung bình 29% mỗi năm, liền kề tăng 22% mỗi năm, vượt trội hơn so với nhà phố thương mại (11-16%/năm), khiến phân khúc này tiếp tục thu hút đầu tư.
Điều đáng chú ý là cơ cấu giá tiếp tục dịch chuyển, số lượng sản phẩm có giá trên 30 tỷ đồng tăng, chiếm 36% tại quý I/2025 từ mức 17% năm 2024, nhóm 20–30 tỷ đồng chiếm đa số với 62%. Trong khi đó, nhóm dưới 20 tỷ đã trở nên khan hiếm. Điều này đặt ra thách thức với nhiều nhà đầu tư về kỳ vọng lợi nhuận, nhất là mức giá các sản phẩm trên thị trường đang đứng ở mức cao. Trong bối cảnh này, không ít nhà đầu tư đang chuyển hướng sang các tỉnh vệ tinh với mức giá 10-20 tỷ đồng - khoảng giá hiện đã trở nên hiếm hoi tại Hà Nội.
Bà Hằng cảnh báo, giai đoạn hiện tại đòi hỏi nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng về giá trị thực của sản phẩm, đặc biệt là yếu tố giá trên mét vuông so với chất lượng công trình và vị trí.
“Trong giai đoạn thị trường chứng khoán và vàng tiềm ẩn nhiều biến động, dòng tiền có xu hướng quay trở lại bất động sản – đặc biệt là những sản phẩm có mức giá hợp lý và tiềm năng sinh lời ổn định. Tuy nhiên, đây không còn là sân chơi dễ dàng cho tất cả. Nhà đầu tư hiện không chỉ cần vốn, mà còn cần tầm nhìn dài hạn, sự tỉnh táo và chiến lược linh hoạt trong lựa chọn sản phẩm phù hợp”./.