Thời gian qua, việc khan hiếm nguồn cung mới cộng với nhu cầu ở thực cao đã liên tục đẩy giá chung cư tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng tăng cao.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, giá bán căn hộ chung cư ở Hà Nội ghi nhận mức tăng vượt bậc với 58% so với kỳ gốc, hơn gấp đôi so với tỷ lệ tăng (27%) của thị trường TP.HCM. Tại Đà Nẵng, căn hộ chung cư cũng ghi nhận tăng trưởng về giá đạt 45%, cao hơn mức tăng trưởng của TP.HCM nhưng thấp hơn Hà Nội.
Dữ liệu của Savills Việt Nam được công bố trước đó cho thấy, hiện giá sơ cấp căn hộ chung cư ở Hà Nội đã đạt 65 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 24% theo năm. Kể từ năm 2020, giá sơ cấp trung bình tăng 18% mỗi năm, trong khi giá thứ cấp tăng 14% mỗi năm.
Đáng chú ý, trong quý II vừa qua, thị trường bất động sản Hà Nội không có nguồn cung mới nào dưới 45 triệu đồng/m2. Kể từ năm 2020, nguồn cung sơ cấp hạng C (căn hộ bình dân) đã giảm 45% mỗi năm.
Liên quan đến việc này, báo cáo mới nhất vừa được Avision Young Việt Nam công bố cho thấy, nguồn cung chung cư mới sắp mở bán ở Hà Nội hầu hết đều có giá từ 70 triệu/m2 trở lên.
Cụ thể, theo báo cáo, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ đón thêm khoảng 10.000 căn hộ chung cư mới từ các dự án, gồm: Lumi Hanoi - giai đoạn 2 của Capitaland sẽ mở bán vào quý III năm nay với 878 căn tiếp theo.
Central Residence của Gamuda Land tại Hoàng Mai sẽ ra mắt vào quý IV với 2.600 căn.
Eco Smart City Cổ Linh của chủ đầu tư Thiên Hương tại quận Long Biên sẽ chào sàn vào quý IV năm nay với 760 căn.
Kepler Land của chủ đầu tư TSQ Vietnam tại Hà Đông cũng ra mắt trong quý IV/2024 với 1.280 căn.
The Charm An Hưng của chủ đầu tư An Hưng ở Hà Đông sẽ bán hàng trong quý IV với 806 căn.
Sunshine Crystal River - Ciputra của chủ đầu tư Sunshine Group cũng sẽ đến tay khách hàng trong quý IV năm nay với 950 căn.
Vinhomes Cổ Loa của “ông lớn” Vinhomes tại Đông Anh cũng dự kiến chào sàn vào quý IV năm nay với 3.000 căn.
The Reflection West Lake của Kusto Home tại Tây Hồ cũng được chào bán tới tay khách hàng vào quý IV năm nay với 202 căn.
Ngoài ra, trong năm 2025, Hà Nội sẽ đón nhận thêm nguồn cung chung cư mới tại các dự án, gồm: Starlake - giai đoạn 2 của chủ đầu tư Daewoo E&C tại Tây Hồ; Vinhomes Wonder Park Đan Phượng của Vinhomes và North Hanoi Smart City của BRG và Sumitomo ở Đông Anh vào năm 2025.
Đáng chú ý, trong loạt dự án sắp mở bán trên, nhiều dự án như: Lumi Hanoi của Capitaland hay The Charm An Hưng của chủ đầu tư An Hưng hay Kepler Land của chủ đầu tư TSQ Vietnam tại Hà Đông… là những dự án nằm trong vùng “động mưa là ngập", khách hàng khi có ý định mua nhà cần cân nhắc thêm.
Trước đó, như chúng tôi đã phản ánh, do ảnh hưởng của bão số 2, trong ngày 23/7, Hà Nội có mưa rất to. Đặc biệt khu vực cửa ngõ phía Tây, trục Đại lộ Thăng Long có nơi ngập sâu cả mét, ảnh hưởng tới việc đi lại, đời sống của người dân. Đây cũng là nơi có nhiều khu đô thị mới, các dự án bất động sản thu hút thời gian qua.
Từ vài năm nay, đường gom Đại lộ Thăng Long là điểm đen ngập lụt ở Hà Nội. Khu vực này nằm trong lưu vực sông Nhuệ, nơi hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, cứ mưa to là ngập.
Đây cũng là khu vực hiện diện nhiều dự án bất động sản quy mô. Có thể kể tới như Lumi Hanoi, Anlac Green Symphony, Hado Charm Villas, Mỹ Đình Pearl, Bắc An Khánh, Nam An Khánh...
Theo quy hoạch, cốt nền đường gom, hầm chui dân sinh ở đại lộ Thăng Long chỉ 4,9-5,2 m, trong khi 19h hôm qua mực nước sông Nhuệ tại đập Thanh Liệt là 5,25 m. Nước sông cao hơn nền đường gây khó khăn cho việc tiêu thoát đã dẫn đến việc nhiều hầm chui trên đại lộ Thăng Long như hầm số 3, 5 và hầm Km9+656 bị ngập 0,5 m khiến ô tô, xe máy di chuyển khó khăn.
Ngoài ra, tại khu vực này, lối ra đại lộ từ khu đô thị ở Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm bị ngập khoảng 0,4 m, ô tô chạy qua tạo sóng nước lớn.
Chia sẻ về nguyên nhân ngập úng ở phía Tây Hà Nội, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do kênh La Khê (đoạn qua quận Hà Đông) chưa hoàn thành. Điều đó dẫn đến việc dù trạm bơm Yên Nghĩa có công suất 120 m3/giây nhưng chỉ vận hành chưa đến 40% công suất.
Ngoài ra, còn do lòng sông Nhuệ bị bùn lấp đầy, ảnh hưởng đến dòng chảy. “Để phía Tây thoát cảnh ngập úng, ngoài việc sớm hoàn thành kênh La Khê, thành phố cần nạo vét để tạo dòng chảy cho sông Nhuệ”, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội nói./.