Nam Sudan được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ nhất thế giới trong năm nay, đạt 27,2%. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng từ một nền tảng thấp do nền kinh tế giảm 26,4% trong năm 2024, ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột với Sudan. Là quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ, GDP của Nam Sudan chịu ảnh hưởng lớn từ biến động trong sản xuất dầu. Các cuộc xung đột kéo dài đã khiến phần lớn dân số rơi vào cảnh nghèo khó và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng.

Theo sau Nam Sudan là Guyana, nền kinh tế dự báo sẽ tăng trưởng bùng nổ 14,4% trong năm 2025 nhờ các mỏ dầu mới được phát hiện gần đây và sự phát triển mạnh mẽ của ngành khai thác dầu.
Việt Nam cũng lọt vào top 20 nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất năm nay, với dự báo tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn so với các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Theo đó, GDP của Việt Nam dự báo sẽ đạt 506 tỷ USD trong năm nay, xếp thứ 33 trên thế giới.
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ có sự chững lại nhẹ, xuống còn 6,8% so với năm 2024.
Tuy nhiên, cả hai tổ chức quốc tế này đều đưa ra dự báo thấp hơn mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% mà Việt Nam đề ra. Đây là mục tiêu đã được điều chỉnh tăng tại Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó trước đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2025 ở mức 6,5-7%.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế công bố ngày 12/3, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8% cho năm 2025 và 6,5% cho năm 2026, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với báo cáo trước đó.
Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết trong hai năm tới, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Bà khuyến nghị: Việt Nam có thể tận dụng dư địa tài khóa để chuẩn bị tốt hơn cho những bất ổn gia tăng. Đầu tư công, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng đô thị, giao thông và năng lượng, sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính), thông tin rằng trong hai tháng đầu năm 2025, sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Hoạt động thương mại và dịch vụ cũng duy trì sự sôi động, với mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong hai tháng đầu năm 2025 đạt 127,07 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 8,4% và nhập khẩu tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,47 tỷ USD.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã được triển khai mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong hai tháng đầu năm 2025 ước đạt 73,2 nghìn tỷ đồng, đạt 8,5% kế hoạch năm và tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 đạt 7,7% và tăng 2,6%).
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên./.