Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn khi nguồn cung dự án mới ra thị trường nhỏ giọt, giao dịch trầm lắng do lãi suất cao và doanh nghiệp gặp khó trong việc huy động vốn từ ngân hàng và phát hành trái phiếu…
Tuy vậy, từ giữa tháng 7 đến nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý 2 với những con số kinh doanh gây bất ngờ và mang lại niềm vui cho thị trường.
Điển hình, ngày hôm qua (25/7), Công ty CP Tập đoàn Bất động sản CRV đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 niên độ tài chính 2023 – 2024, ghi nhận doanh thu đạt 249 tỷ đồng, cao gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp từ đó cũng tăng mạnh từ 16,5 tỷ đồng lên 71 tỷ đồng.
Đây là mức doanh thu cao thứ 2 trong một quý của CRV kể từ khi bắt đầu công bố thông tin vào quý 3/2020-2021.
Trước đó một ngày, chiều 24/7, Tổng Công ty CP Địa ốc Sài Gòn - Saigonres (HoSE: SGR) cũng công bố lãi 41 tỷ đồng trong quý 2/2023.
Theo báo cáo tài chính, trong quý 2/2023, SGR ghi nhận 16 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng thêm 5 tỷ đồng so với quý 1/2023 và tăng 60% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ doanh thu các dự án. Tuy nhiên, do giá vốn hàng hóa ở mức 13 tỷ đồng nên công ty chỉ thu về 3 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Trong kỳ, các loại chi phí đều giảm, khấu trừ thuế phí, Saigonres báo lãi 41 tỷ đồng trong quý 2/2023. Đây là con số rất tích cực so với khoản lỗ 11 tỷ của quý 1, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, SGR thu về 28 tỷ đồng doanh thu thuần và 30 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tương tự, mới đây, Công ty CP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán NDN) công bố doanh thu thuần quý 2/2023 đạt 97 tỷ đồng, nhảy vọt so với mức 1 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Công ty có lãi sau thuế 61 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước bị lỗ đến 114 tỷ đồng.
Nguyên nhân được giải thích là công ty tiếp tục ghi nhận doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng căn hộ dự án Monarchy Block B. Ngoài ra, chi phí tài chính âm do không còn trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán, song song với ghi nhận thêm doanh thu từ hoạt động tài chính...
Kết quả trong quý 2/2023 giúp doanh thu thuần cả 6 tháng đầu năm nay của NDN đạt 313 tỷ đồng, tăng 311 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Công ty đã có lãi sau thuế 167 tỷ đồng so với số lỗ 95 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước….
Có thể thấy, đây mới chỉ là một số doanh nghiệp vừa và nhỏ công bố báo cáo tài chính. Rất có thể những doanh nghiệp này có lãi nên công bố trước. Những doanh nghiệp công bố sau sẽ xuất hiện một số doanh nghiệp lỗ lớn. Tuy nhiên, việc hàng loạt doanh nghiệp bất động sản mới công bố thông tin "đua nhau" báo lãi trong quý 2 đã đem lại niềm vui và tín hiệu tích cực cho thị trường.
Ảnh minh họa.
Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua?
Theo báo cáo của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars), 6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản vẫn duy trì trạng thái “khát” nguồn cung, đặc biệt là nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân.
Riêng quý 2, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 20.000 sản phẩm. Lượng giao dịch trong quý ghi nhận phục hồi nhẹ, đạt khoảng 3.704 giao dịch (xấp xỉ 18% tổng nguồn cung mở bán mới), tăng hơn 30% so với quý trước nhưng vẫn giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các sản phẩm được giao dịch đều có chất lượng xây dựng cao, pháp lý minh bạch với giá thành phù hợp; trong đó, có đến 80% lượng giao dịch là căn hộ chung cư có pháp lý “sạch”, phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín. Phát sinh từ cả các khách hàng mua phục vụ nhu cầu ở thực và cả nhà đầu tư.
“Thị trường BĐS quý 2 diễn ra như dự đoán với những diễn tiến tích cực hơn quý 1 nhưng vẫn cần thêm các động lực mạnh mẽ hơn để có thể tạo sức bật, giúp thị trường sớm đảo chiều”, đại diện Vars nhận xét.
Theo đánh giá của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings, với việc lãi suất giảm, rủi ro tín dụng và thanh khoản của thị trường bất động sản Việt Nam đã qua giai đoạn đỉnh điểm.
Ngoài ra, các cam kết của Chính phủ trong việc kiềm chế bong bóng tài chính ở lĩnh vực bất động sản là yếu tố tích cực tạo sự ổn định cho thị trường. Trước đó, từ năm 2022, cơ quan quản lý đã khởi động việc siết quản lý bất động sản, tập trung vào hoạt động huy động vốn của các nhà phát triển. Động thái bao gồm việc quy định chặt chẽ hơn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy có vài điểm sáng, song tính đến quý 2, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tiếp tục đi trên "con đường gập ghềnh" với nhiều ngã rẽ có thể ở phía trước, theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam.
Theo vị chuyên gia Colliers Việt Nam, một mặt, hoạt động đầu tư tiếp tục sôi động khi các nhà đầu tư tổ chức tích cực tìm cơ hội vẽ lại chiếc bánh thị phần. Mặt khác, ở cấp độ đầu tư cá nhân, giao dịch vẫn trầm lắng, giá biến động, thanh khoản chưa khả quan và tâm lý người mua còn dè dặt. "Hai diễn biến này sẽ kéo dài từ giờ đến hết năm nay", ông David Jackson nói.
Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc hạ, giảm lãi suất 0,5-2% trong thời gian qua là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và hệ thống ngân hàng. Động thái này đang có hiệu ứng tích cực mạnh mẽ lên nền kinh tế và các doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời gian dự án 1 năm có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoản lãi suất lên tới 12-15% chi phí vốn. Đó là chưa kể tiết kiệm chi phí tiền lương, máy móc thiết bị,… cho cả năm.
“Dự báo thị trường bất động sản Việt Nam hết năm 2023 còn trầm lắng, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ quý 2 hoặc quý 3/2024 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính...”, ông Khôi đưa ra dự báo.
Minh Quân