Tác động to lớn đến nền kinh tế đất nước

Ngày 2/4/2025 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố biểu thuế đối kháng có hiệu lực từ ngày 9/4/2025, theo đó thuế suất đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên đến 46% - chỉ thấp hơn mức 49%, 48% mà Mỹ áp đặt lên Campuchia và Lào.

Nếu không có gì thay đổi thì chỉ sau một tuần nữa, dòng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí gần như bị chặn đứng do giá quá cao. Hàng loạt hậu quả kinh tế - xã hội do mất thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu như Mỹ sẽ buộc Việt Nam phải điều chỉnh cơ bản chiến lược và chính sách phát triển nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực trong ngắn và trung hạn, thậm chí có thể cả dài hạn.

Mức thuế đối kháng kỷ lục tác động rất tiêu cực tới Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, trong đó mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngắn và trung hạn của Việt Nam trở nên bất khả thi khi thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ có thể gần như đóng cửa hoàn toàn. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tới 119,6 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Mỹ lên tới 104,6 tỷ USD, tăng 25,6% so với năm 2023. Theo số liệu của Mỹ thì cũng trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hàng hóa trị giá hơn 136 tỷ USD, còn thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam lên tới hơn 123 tỷ USD. Không một đối tác thương mại nào của Việt Nam có thể bù đắp tổn thất do mất thị trường trị giá cả trăm tỷ USD như Mỹ.

Bên cạnh đó, nếu cánh cửa xuất khẩu sang Mỹ khép chặt lại thì cán cân thương mại vốn thặng dư 24,77 tỷ USD năm 2024 của Việt Nam sẽ đảo lộn hoàn toàn. Năm 2024, bên cạnh xuất siêu sang Mỹ cùng với xuất siêu sang EU (35,4 tỷ USD, tăng 23,2%) và xuất siêu sang Nhật Bản (3,2 tỷ USD, tăng 91,9%) thì Việt Nam lại nhập siêu từ Trung Quốc tới 83,7 tỷ USD, tăng 69,5% và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 144,3 tỷ USD trong khi nhập siêu từ Hàn Quốc 30,7 tỷ USD, tăng 5,9% và nhập siêu từ ASEAN 9,9 tỷ USD, tăng 18,9%. Nếu cán cân thương mại đảo chiều từ thặng dư sang thâm hụt thì Việt Nam sẽ gặp khó khăn về cán cân thanh toán khi cán cân thương mại dịch vụ năm 2024 vẫn thâm hụt 12,34 tỷ USD còn tài khoản vốn lại không ổn định.

Đối với doanh nghiệp, mức thuế đối kháng dường như còn cao hơn cả mức thuế trừng phạt kinh tế khiến cho nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn FDI của Việt Nam trở nên ít ý nghĩa. Phần lớn doanh nghiệp FDI đến Việt Nam nhằm mục tiêu tận dụng các ưu đãi thuế từ hàng chục FTA mà Việt Nam đã ký kết cùng với làn sóng đầu tư né tránh những điểm nóng chiến tranh thương mại, đa dạng hóa đầu tư nhằm giảm rủi ro.

Việt Nam sẽ có chiến lược ứng phó phù hợp, kịp thời

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội, việc Hoa Kỳ siết lại thương mại có thể là một cú hích giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình xuất khẩu. Thay vì phụ thuộc vào gia công, lắp ráp - đây là lúc chúng ta cần tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, và tiến tới sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn.

Việc dòng vốn FDI có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn lại càng củng cố vai trò trụ cột của kinh tế tư nhân trong nước - lực lượng đang ngày càng năng động, sáng tạo và khát khao vươn lên. Điều này cũng tạo áp lực tích cực để Việt Nam sắp xếp lại chuỗi cung ứng, hướng tới sự tự chủ chiến lược, không quá phụ thuộc vào một nguồn vốn hay thị trường nào.

67f0b10f96df6.jpg
TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội.

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới, đẩy mạnh kinh tế trong nước là con đường bắt buộc. Đây là thời điểm cần có các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ và trúng đích, tập trung vào đầu tư công hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng thị trường nội địa và thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Song song với đó, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách thể chế - từ môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính đến chính sách thuế, đất đai, khoa học công nghệ.

Đây cũng là lúc mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp phải bứt phá vươn lên, phát huy nội lực, sáng tạo và bản lĩnh để cùng đất nước vượt qua giai đoạn thử thách. Một nền kinh tế khỏe mạnh không thể chỉ trông vào bên ngoài - mà phải được nuôi dưỡng từ khát vọng phát triển bên trong.

Doanh nghiệp vững tin vào Chính phủ, biến nguy thành cơ

Trước thông tin mỹ đánh thuế hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ từ việt nam vào mỹ bị áp thuế 46 %, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec chia sẻ: “Là doanh nghiệp chúng ta cần bình tĩnh trước những thông tin này . Chính phủ và nhà nước sẽ có các quyết sách về chính sách đối ngoại hợp lý để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường thế giới. Ai cũng hiểu nếu bị đánh thuế xuất cao đối với hàng hoá sản xuất ra thì mức độ ảnh hưởng như thế nào, các dòng vốn FDI vào Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị chững lại nhưng cá nhân tôi nghĩ các nhà đầu tư hãy tin tưởng vào chính phủ Việt Nam sẽ đàm phán với Mỹ để có thuế xuất công bằng và đảm bảo Việt Nam vẫn là cực tăng trưởng".

"Chúng ta nên học bài học từ Singapore hoặc Braxin, Úc, các nước đó đã ký hiệp định tự do với Mỹ và được áp thuế 10% đây là một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn", ông Điệp nói.

Chính vì vậy theo tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam hơn 130 tỷ USD vào Mỹ và nhập khẩu hàng hoá từ mỹ vào Việt Nam đạt gần 13 tỷ USD chắc chắn Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam sẽ hợp sức hợp lực có quyết sách để đảm bảo quan hệ thương mại Mỹ và Việt Nam sẽ là điểm sáng trong quan hệ cán cân thương mại trên thế giới, Chủ tịch công ty Shinec tin tưởng.

Cũng theo ông Điệp, doanh nghiệp Việt và cộng đồng doanh nghiệp FDI hãy tin và hợp sức với Chính phủ Việt Nam để lập lên kỳ tích này để lợi ích hài hoà khó khăn chia sẻ như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói.

Trong thời điểm thử thách như hiện nay, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kiên định của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ Việt Nam đang thực sự là ngọn hải đăng trong giông bão, soi sáng phương hướng cho doanh nghiệp và người dân, giữ vững niềm tin vào tương lai và tiếp thêm năng lượng để cả nền kinh tế vượt qua sóng gió một cách vững vàng và tự tin./.