Thứ 1 ngày 28 tháng 4 năm 2024 / 16:22

Vars: 2024 sẽ là năm cuối cùng của quá trình “vượt chướng ngại vật” của thị trường bất động sản

Dự báo, quý 1 và quý 2/2024 thị trường sẽ tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023. Tuy nhiên, từ cuối quý 3 trở đi, sự phục hồi mới được thể hiện rõ rệt.
| Vars: 2024 sẽ là năm cuối cùng của quá trình “vượt chướng ngại vật” của thị trường bất động sản | thị trường | doanh nghiệp | tiêu điểm | quy hoạch | hạ tầng | dự án | tài chính |

Thông tin trên được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars) cho biết tại Báo cáo Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 với tiêu đề “Phục hồi”.

Năm đầy vất vả của thị trường đã qua

Tại báo cáo trên, Vars cho biết, trong quý 4/2023, thị trường bất động sản đã có thêm sự nhộn nhịp bởi việc chạy rumor của một số dự án cùng các chương trình kick off, mở bán quy mô lớn vốn đã vắng bóng trong các quý trước đó.

Nguồn cung và giao dịch trong quý đã có sự cải thiện. Tổng cung đạt 21.774 sản phẩm, tăng 6% so với quý 3; trong đó có khoảng 7.000 sản phẩm lần đầu tiên ra mắt trên thị trường.

Về giao dịch, trong quý có 5.710 sản phẩm được giao dịch, tương đương với quý 3, gấp đôi so với quý đầu năm. Tỷ lệ hấp thụ tiếp tục được cải thiện, đạt 26%, tăng 12 điểm % so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với quý 3. Tuy nhiên, thời điểm này thị trường lại tiếp tục phải đối mặt với khó khăn mới, đó là sự thiếu vắng môi giới BĐS.

Theo đánh giá của Vars, năm 2023 là một năm đầy “vất vả” với thị trường BĐS Việt Nam khi rất nhiều khó khăn tồn tại dưới dạng ẩn từ các thời kỳ trước, lần lượt ngoi lên, siết chặt, khiến thị trường trở nên lao đao, điêu đứng. Khoảng thời gian này là hệ quả của quá trình phát triển thiếu kiểm soát, kém minh bạch và an toàn của thị trường trong suốt một thời gian dài trước đó.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta nhận ra có quá nhiều “lỗ hổng” trong phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam, từ cơ chế, chính sách đến quá trình thực thi và sức khỏe nội tại của doanh nghiệp BĐS chưa đủ mạnh và khả năng ứng biến với các tình huống còn chưa cao.

Cũng theo Vars, năm2023 qua đi, để lại khá nhiều dấu ấn không mấy tốt đẹp đối với thị trường BĐS: Là năm tiếp theo ghi dấu nhiều “cuộc chia ly”. Năm 2023 có 1286 doanh nghiệp giải thế, tăng 7,7% so với năm 2022. Hàng nghìn môi giới BĐS mất việc, bỏ nghề. Chỉ còn khoảng 20% môi giới BĐS đang hoạt động.

Là năm chứng kiến nhiều phi vụ “lừa đảo”, vi phạm pháp luật quy mô lớn, khiến cho khó khăn của thị trường càng trở nên trầm trọng hơn.

Thêm vào đó, rất nhiều vấn đề mang tính nghịch lý trên thị trường đang tồn tại mà chưa tìm được cách xử lý. Điển hình như phân khúc BĐS cần thì không có. Phân khúc BĐS vượt quá khả năng tài chính của người dân thì tồn kho. Nhà ở xã hội nơi “cháy hàng”, nơi “ế” chỏng chơ. Ngân hàng thừa tiền, trong khi đó doanh nghiệp thiếu vốn.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nhận được sự trợ lực từ Chính phủ, các cơ quan ban, ngành và hệ thống ngân hàng, thị trường đã có sự chuyển biến tích cực theo thời gian, nhưng chưa đạt như kỳ vọng.

Theo đơn vị này, tính đến cuối năm 2023 đã có tất cả 22 động thái từ phía Chính phủ, cơ quan ban ngành đã được ban hành; trong đó, nổi bật nhất là Nghị định 08/2023/NĐ-CP khi trở thành “chiếc phao cứu trợ” có tác dụng trực diện ngăn ngừa kịp thời một số sự “đổ vỡ” lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Các chính sách giãn, hoãn thuế, nợ và lãi suất của ngân hàng, giảm VAT 2%, giảm tiền sử dụng đất…đã góp phần truyền thêm sinh lực cho rất nhiều doanh nghiệp BĐS đang đuối sức.

Việc thành lập Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ là một phát kiến sáng suốt, góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường với khoảng 500 dự án đã được xem xét, giải quyết. Pháp lý cho doanh nghiệp BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cũng mở ra cơ hội mới cho phân khúc này…

Tuy nhiên, bên cạnh các tác động kể trên, vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý:Các động thái từ phía ngân hàng vẫn được cho là quá an toàn, khi các nhà băng hoàn toàn “nắm đằng chuôi” với các điều chỉnh tưởng chừng như “rất mở” nhưng lại chưa thực sự cho ra kết quả cụ thể mang tính định lượng.

Mặc dù các ngân hàng đều đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay nhưng chính sách này chưa thực sự tác động tích cực tới thị trường BĐS như kỳ vọng. Bởi lẽ nhu cầu vay trên thị trường không cao…

Thị trường sẽ phục hồi rõ rệt từ cuối quý 3/2024

“2024 khả năng cao sẽ là năm cuối cùng của quá trình “vượt chướng ngại vật” của thị trường BĐS. Thị trường sẽ dần đi vào ổn định và bức tranh toàn cảnh có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn”, Vars nhận định.

Theo Vars, về bản chất, thay đổi này không phải sự phát triển mà là nỗ lực tiến về vạch xuất phát, thay vì tồn tại trong trạng thái “âm” như thời kỳ vừa qua. Tuy nhiên, đây sẽ là căn cứ và nền tảng để thị trường chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới mang tính ổn định, bền vững và hiệu quả hơn.

Hơn nữa, trải qua quá trình thanh lọc, sức khỏe nội tại, cùng khả năng ứng biến với các khó khăn, thử thách của các chủ thể tồn tại trên thị trường sẽ được nâng lên.

Dự báo, quý 1 và quý 2/2024 thị trường sẽ tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023. Tuy nhiên, từ cuối quý 3 trở đi, sự phục hồi mới được thể hiện rõ rệt.

“Tuy chưa thể khẳng định thị trường sẽ đạt được các kết quả rực rỡ trong năm 2024. Nhưng chắc chắn 2024 chính là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam”, Vars nhận định.

Theo: Vnmedia.vn copy https://vnmedia.vn/kinh-te/202401/vars-2024-se-la-nam-cuoi-cung-cua-qua-trinh-vuot-chuong-ngai-vat-cua-thi-truong-bat-dong-san-7b12a05/

Tin liên quan