Như chúng tôi đã đưa tin, hơn một tháng nay, sau thông tin Vingroup chuẩn bị khởi công dự án Vinhomes Wonder City, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô đến khu vực làng Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội) tìm mua đất nền, khiến giá nhà đất ở khu vực này tăng dựng đứng.

Đáng chú ý, không chỉ tại Đan Phượng nơi Vingroup đang xây dựng và mở bán dự án Vinhomes Wonder City mà giá đất nền tại nhiều khu vực khác của Hà Nội, thậm chí là các tỉnh lân cận cũng đang ghi nhận mức tăng mạnh do nhiều nhà đầu tư đổ xô đi “săn” đất theo quy hoạch, sau thông tin về việc sáp nhập tỉnh thành được đưa ra bàn thảo.

Khảo sát thị trường đất nền đầu tháng 3/2025 cho thấy, không chỉ các điểm nóng quen thuộc như Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì mà nhiều khu vực khác của Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, hay xa hơn là một số huyện thuộc tỉnh Hòa Bình, Hà Nam cũng đang chứng kiến mức tăng giá đáng kể.

Theo ghi nhận, giá đất nền tại huyện Thạch Thất hiện dao động từ 25-35 triệu đồng/m2, tăng khoảng 20% so với đầu năm 2024. Một số khu vực gần dự án đô thị vệ tinh Hòa Lạc có mức giá cao hơn, từ 35-45 triệu đồng/m2. Tại Quốc Oai, giá đất nền hiện phổ biến ở mức từ 20-30 triệu đồng/m2, cũng tăng khoảng 15-20% so với vài tháng trước.

67e56879abc57.jpg
Ảnh minh họa

Tại tỉnh Hòa Bình, đất nền cũng đang trong xu hướng tăng giá. Một số khu vực ven đô thị như huyện Lương Sơn, giá đất nền hiện dao động từ 8-15 triệu đồng/m2, tăng từ 10-15% so với cuối năm ngoái.

Tương tự, ở Hà Nam, khu vực giáp ranh với huyện Phú Xuyên (Hà Nội) như thị xã Duy Tiên, giá đất nền từ mức 12-18 triệu đồng/m2 hồi giữa năm 2024 nay đã lên 15-22 triệu đồng/m2, tăng trung bình khoảng 15%.

Dữ liệu thị trường bất động sản quý I/2025 của trang Batdongsan.com.vn cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2025, giá rao bán đất nền vùng ven Hà Nội đã tăng từ 30- 80% tùy khu vực, chẳng hạn như Quốc Oai đã ghi nhận mức tăng 74%.

Tuy nhiên, lượng quan tâm đến đất nền lại không tăng tương ứng, thậm chí có dấu hiệu đi ngang hoặc giảm nhẹ. Điều này phần nào phản ánh rằng số lượng giao dịch chưa có nhiều đột biến so với năm ngoái.

Ngược lại, ngay sau khi tin tức về sáp nhập xuất hiện, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại những địa phương liên quan đã tăng đáng kể. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, mức độ quan tâm tại các khu vực như Nhơn Trạch ghi nhận mức tăng 41%, Thuận An (Bình Dương) và Dĩ An (Bình Dương) lần lượt tăng 26% và 23%.

67e5684f3f56b.jpg
Nguồn: Batdongsan.com.vn

Đáng chú ý, tại Nhơn Trạch và Bà Rịa Vũng Tàu, giá đã tăng 20-30%, tiệm cận mức đỉnh của năm 2022 – thời điểm nhiều nhà đầu tư lớn thoát hàng. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng thị trường đang bị đẩy lên quá nhanh và tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh.

Lý giải nguyên nhân khiến giao dịch đất nền ở Hà Nội chững lại, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, có một số nguyên nhân dẫn đến xu hướng này.

“Trước hết, mặt bằng giá đất tại vùng ven Hà Nội đã tăng liên tục trong những năm qua, khiến nhiều nhà đầu tư và người mua có tâm lý chờ đợi, quan sát thị trường trước khi quyết định.

Bên cạnh đó, thời gian qua, sau thông tin về kế hoạch dự kiến sáp nhập một số tỉnh, các nhà đầu cơ có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở những khu vực tỉnh thay vì tập trung vào đất nền lân cận Thủ đô như trước đây".

Trong khi đó, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cảnh báo, giai đoạn này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Theo ông Tuấn, giá bất động sản không chỉ phụ thuộc vào thông tin sáp nhập mà còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác như hạ tầng, vị trí, nhu cầu việc làm, nhập cư, và nền tảng kinh tế địa phương.

Ông khuyến nghị người mua và nhà đầu tư cần lưu ý các rủi ro: quy hoạch có thể thay đổi hoặc việc sáp nhập diễn ra chậm hơn dự kiến; nguy cơ mua vào với giá cao hơn giá trị thực, đặc biệt tại các khu vực tăng nóng.

“Sáp nhập là cơ hội lớn nhưng cần tỉnh táo mua đúng nơi, đúng thời điểm, tránh chạy theo tâm lý đám đông”, ông Đinh Minh Tuấn lưu ý./.