Theo Báo cáo Thị trường bất động sản TP.HCM quý I/2025 vừa được Cushman & Wakefield công bố, 3 tháng đầu năm nay, thị trường căn hộ TP.HCM đón nhận khoảng 2.392 căn hộ mở bán mới, giảm khoảng 12% và nguồn cung vẫn chủ yếu tập trung tại các phân khúc cao cấp và hạng sang.

Khu vực phía Đông vẫn là điểm nóng của thị trường khi liên tục dẫn đầu tỷ lệ nguồn cung cao qua các quý. Tuy nhiên sự chênh lệch về tỷ lệ nguồn cung mới trong quý này giữa các khu vực không quá lớn.

Trong quý, nguồn cung mới phân bổ đều ra các khu vực và có tỷ lệ lần lượt đạt 15% tại khu Tây, 19% tại khu Nam, 27% tại khu Đông và 26% tại khu CBD.

Đáng chú ý, trong quý thị trường đón nhận một dự án căn hộ hàng hiệu bắt đầu đi vào hoạt động và bàn giao nhà cho khách hàng. Dự án này đã đẩy tỷ lệ nguồn cung khu vực trung tâm tăng mạnh. Mặc dù vậy, dẫn dắt thị trường căn hộ vẫn là tên những đơn vị phát triển quen thuộc: Masterise Homes, Vinhomes, Gamuda Land, Kepple Land.

Đề cập đến tỷ lệ tiêu thụ, báo cáo cho biết, lượng hấp thụ mới đạt 1.101 căn, giảm gần 58% so với quý trước nhưng lại tăng 36,23% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này nguyên nhân một phần do giá căn hộ đã tăng quá cao và nhu cầu nhà ở, nhu cầu đầu tư bắt đầu dịch chuyển dần sang vùng ven đô thị và tỉnh thành cấp 2, cấp 3, nơi có mức giá thấp hơn.

Về giá, báo cáo cho biết, giá căn hộ tiếp tục lập mặt bằng mới đạt 4.691 USD/m2 (tương đương với khoảng hơn 120 triệu đồng/m2), tăng gần 28% so với cuối năm 2024 và tăng khoảng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

67f5ba10a4462.jpeg
Ảnh minh họa

“Thị trường đầu năm cho thấy có sự tăng trưởng chậm lại, tuy nhiên nguồn cung cho các quý kế tiếp đang được các chủ đầu tư lập chiến lược và chuẩn bị cho các đợt mở bán lớn. Số lượng căn hộ dự báo trong 3 năm tới sẽ gia nhập vào thị trường khoảng 35.000 căn hộ. Trong đó, riêng quý II/2025 sẽ có khoảng 9.500 căn hộ mở bán mới.

Năm 2026, nguồn cung lần lượt xấp xỉ 10.000 căn và sẽ đạt hơn 15.000 căn vào năm 2027. Các chủ đầu tư cũng áp dụng phương thức thanh toán trả chậm kéo dài đến 3 năm và áp dụng các hình thức chiết khấu từ 10% tới 25% để kích cầu. Đặc biệt, khách hàng có thể nhận nhà ở ngay khi vừa thanh toán trước 1 phần giá trị căn hộ”, báo cáo cho biết.

Liên quan đến phân khúc này, trước đó, Công ty tư vấn thị trường DKRA Group cũng công bố báo cáo cho thấy, quý đầu năm nay, TP.HCM có khoảng hơn 6.800 căn hộ mở bán sơ cấp (gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho) nhưng chỉ có khoảng 1.000 căn hộ được chào bán thành công, tỷ lệ tiêu thụ đạt 15% trên tổng nguồn cung. Con số này giảm gần 60% so với lượng tiêu thụ ghi nhận ở quý IV/2024. Phần lớn sức mua rơi vào các dự án mở bán mới, trong khi rổ hàng tồn kho tiếp tục bị "chê" do giá bán cao và phần nhiều là căn diện tích lớn, vị trí không đẹp.

Lý giải sức mua căn hộ mới sụt giảm mạnh, ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group nhận định, bên cạnh yếu tố thời điểm (quý I rơi vào đợt nghỉ Tết Nguyên đán), sức mua căn hộ TP.HCM giảm do tác động từ giá và sự kém đa dạng nguồn hàng.

Ông Thắng cho biết, 73% (tương đương hơn 5.000 căn) căn hộ mở bán tại TP.HCM trong 3 tháng đầu năm thuộc phân khúc cao cấp, giá trên 75 triệu đồng/m2; 22% có giá từ 40-70 triệu đồng/m2 và chưa đến 5% có giá dưới 40 triệu đồng/m2, vượt tài chính số đông. Vì vậy, người mua nhà ở TP.HCM có xu hướng dạt về tỉnh để tìm kiếm các bất động sản vừa túi tiền, trong bối cảnh nhà ở đô thị này không còn dành cho người thu nhập trung bình, thấp./.