Tại Phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 25/8, đề cập về xác định giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị cần làm rõ thêm ở Điều 158 về mục đích sử dụng đất được dùng làm căn cứ định giá là mục đích sử dụng đất đang sử dụng hiện tại hay là trong tương lai.

Bởi theo ông Lê Quang Mạnh, những mảnh đất nông nghiệp, mảnh đất vườn hiện nay nếu quy hoạch sau này sẽ là đất công cộng, thu lại làm đường hoặc làm công viên thì sẽ rất khác với giá của những mảnh đất cũng là vườn, cũng là đất nông nghiệp nhưng sau này quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ hoặc là đất ở.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh, trong thực tiễn, việc tiếp cận thông tin cũng như là sự bất bình đẳng, bất đối xứng giữa người có các mảnh đất đó với doanh nghiệp phát triển đô thị cũng như là đối với các cơ quan Nhà nước rất là khác nhau.

1_20230825142644.jpg

Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 25/8.

Liên quan đến việc thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thống nhất với quy định chi tiết để đảm bảo quá trình minh bạch trong thu hồi đất. Theo bà Nga, mặc dù quy định chi tiết cũng có nhược điểm là có thể chưa lường hết được các trường hợp cần thu hồi nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra cố gắng lường hết các trường hợp thu hồi để quy định minh bạch trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đảm bảo quá trình thu hồi đất diễn ra được công khai và minh bạch.

Về cơ chế thỏa thuận ở Điều 127 có đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất không quy định việc nếu đã thỏa thuận được 80%, còn 20% chưa thỏa thuận được thì Nhà nước đứng ra thu hồi.

Ủy ban Tư pháp nhận thấy phương pháp thứ nhất có hai cơ chế thu hồi đất. Cơ chế thứ nhất là thu hồi bằng con đường hành chính. Cơ chế thứ hai là bằng con đường thỏa thuận, tức là một bên hành chính, một bên dân sự.

“Tuy nhiên, chúng ta lại đưa ra cơ chế thứ ba vừa là dân sự và hành chính thì đề nghị cần có sự cân nhắc. Nếu thực hiện theo thỏa thuận thì theo cơ chế thỏa thuận hoàn toàn còn theo hành chính thì theo cơ chế hành chính hoàn toàn. Việc làm này nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên và giảm khiếu kiện liên quan đến đất đai.” – bà Nga nói và cho hay, về giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Tư pháp đồng ý với những quy định về giải quyết trong dự thảo Luật.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề khó nhất trong các Luật Đất đai qua các thời kỳ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nếu lựa chọn cách thức tiếp cận theo hướng "chọn cho" tức là liệt kê các trường hợp, dự án Nhà nước thu hồi đất thì không cách gì đủ được, có khi càng liệt kê càng thiếu.

“Nên chăng là tiếp cận theo hướng chọn bỏ, tức là trừ những trường hợp áp dụng phương pháp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn lại là Nhà nước thu hồi có được không? Vì thực tế chỉ có 2 hình thức là thu hồi và thỏa thuận.” – Chủ tịch Quốc hội gợi mở.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, với hướng tiếp cận trên, có thể ra thêm quy định đất thu hồi phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch đất đã được phê duyệt hay các quy định cấm việc vừa điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đã có ngay quyết định thu hồi đất.

“Trong thực tế, có việc vừa điều chỉnh quy hoạch, vừa điều chỉnh mục đích sử dụng đất lại ra quyết định thu hồi đất, cho nên, điều quan trọng là phải ngăn chặn được tình trạng này.” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Dẫn chứng công tác cán bộ hiện nay cũng phải trong quy hoạch một thời gian mới được xem xét bổ nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch và thu hồi đất cũng tiếp cận theo cách này để ngăn chặn việc điều chỉnh quy hoạch là ra quyết định thu hồi đất. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, không nên gắn việc thu hồi đất với đấu giá, đấu thầu đất đai.

Xuân Hưng